Sống đẹp, sống có ích
Được khởi xướng từ Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2014 - 2019), cho đến nay, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa rộng. Hội đã xây dựng nhiều hoạt động thiết thực, đồng thời triển khai, chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện đúng nội dung của phong trào nhằm tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc trong đông đảo thanh niên như: Thanh niên sống đẹp - sống có ích; xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; thi đua lập thân, lập nghiệp, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Tình yêu quê hương đất nước trong thanh niên đã được cụ thể hóa qua phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.
Hội viên Hội LHTN Việt Nam tỉnh tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 10 (TP Hồ Chí Minh).
Trong những ngày đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả chung tay đẩy lùi dịch bệnh, giữ vùng xanh an toàn. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) là cán bộ, y bác sỹ tình nguyện lên đường hỗ trợ các địa phương như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh phòng, chống dịch Covid-19. Có những người tuổi đời còn rất trẻ nhưng sẵn sàng đi vào tâm dịch, không quản ngại những nguy hiểm để được cống hiến, góp sức mình chữa trị cho những bệnh nhân đang nhiễm Covid-19.
Chị Trần Thị Hậu, công tác tại Khoa Nội tổng hợp - Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Phương Bắc đã 2 lần tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch tại tỉnh Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh. Sau khi trở về từ tỉnh Bắc Giang, hoàn thành thời gian cách ly, chị Hậu lại tiếp tục viết đơn xin tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Chị Hậu tâm sự, trong đợt tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, chị được lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 10 tin tưởng, giao nhiệm vụ phụ trách 1 nhóm gồm 1 bác sỹ và 7 điều dưỡng trực tiếp tiếp nhận, khám chữa bệnh bệnh nhân F0 có triệu chứng vừa. Bằng kinh nghiệm và kiến thức đã trau dồi, học hỏi được, trong suốt đợt công tác của chị đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho hơn 500 bệnh nhân F0 và không có bệnh nhân nào chuyển nặng, tử vong, khi kết thúc đợt công tác của đoàn 100% số bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện.
Kết nối, tiêu thụ nông sản là hoạt động được các cấp bộ Đoàn thực hiện đã góp phần sẻ chia khó khăn đối với nông dân bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Theo dự kiến, Ban phong trào Tỉnh đoàn sẽ tổ chức kết nối, tiêu thụ khoảng 1 tấn dưa lưới cho hội viên Nguyễn Việt Lâm, Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương). Tuy nhiên, sau khi kết thúc ngày bán dưa, tổng số dưa bán được là lên đến gần 3 tấn. Anh Lâm cho biết, trong đợt dịch này, vườn dưa của anh tồn có khoảng 6 tấn dưa cần được tiêu thụ. Anh đã được Tỉnh đoàn hỗ trợ tiêu thụ khoảng 3 tấn dưa, đây là con số khá cao so với dự tính ban đầu.
Tại các địa phương, hình ảnh các bạn ĐVTN tại các chốt kiểm dịch, hỗ trợ nấu ăn tại các khu cách ly, hướng dẫn người dân tham gia trong công tác tiêm vắc - xin phòng bệnh đã không còn xa lạ. Dù là công việc gì, mỗi ĐVTN đều tham gia bằng trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Đoàn viên thanh niên phường Tân Hà vẽ tranh phòng chống rác thải, bảo vệ môi trường. Ảnh: Tôn Bảo
Ngoài những hoạt động tham gia phòng, chống dịch Covid-19, ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò thanh niên, đảm nhận những việc khó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương. Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp, mỗi thanh niên đã trở thành một cử tri gương mẫu, một tuyên truyền viên tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân. Ủy ban Hội LHTN Việt Nam các huyện, thành phố, các tổ chức thành viên của Hội tổ chức 300 phần việc thanh niên. Các hoạt động thiết thực tại các cơ sở như: thành lập trên 100 đội hình tình nguyện viên tuyên truyền lưu động về cuộc bầu cử; tổ chức 326 buổi tuyên truyền lưu động; treo 582 băng zôn, áp phích, tranh ảnh cổ động, các khẩu hiệu tuyên truyền bầu cử… tại các điểm bỏ phiếu thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Sáng tạo, khởi nghiệp
Công tác định hướng khởi nghiệp cho hội viên được các cấp hội đặc biệt chú trọng quan tâm. Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức diễn đàn khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên năm 2021. Tại diễn đàn, học sinh, sinh viên đã đặt câu hỏi cho đại biểu khách mời để làm rõ hơn những nội dung về khởi nghiệp. Các nội dung được quan tâm nhiều là: cách thức khởi nghiệp, biến những ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực; những vấn đề mà thanh niên là học sinh, sinh viên cần “tiếp sức” từ các cấp, các ngành trong quá trình khởi nghiệp; lựa chọn lĩnh vực khởi nghiệp như thế nào để phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường hiện nay...
Đại diện Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình) giới thiệu về mô hình du lịch cộng đồng.
Hội viên trong tỉnh đã tích cực tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp, nhiều ý tưởng khởi nghiệp được giải cao được hiện thực hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay có 30 dự án triển khai hiệu quả, tiêu biểu như mô hình Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm với mô hình du lịch cộng đồng, Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm với mô hình trồng rau quả trong nhà màng của hội viên Nguyễn Việt Lâm, mô hình nuôi hươu thương phẩm của hội viên Quan Văn Tiệp, mô hình trồng thanh long của hội viên Trần Văn Thịnh, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương)… Là người tiên phong trồng thanh long tại xã Sơn Nam, hội viên Trần Văn Thịnh, thôn Cây Cọ, đã trải qua những khó khăn ban đầu về lựa chọn giống, cách chăm sóc, hiện tại anh Thịnh đã thành công với mô hình thanh long ruột đỏ. Từ năm 2018 đến nay, mỗi vụ, gia đình anh thu hoạch từ 17 - 20 tấn quả, với giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, thu lãi trên 170 triệu đồng/năm. Anh Thịnh hiện còn tự nhân giống để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết, Hội đã là cầu nối cho hội viên có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay, dự án để biến những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực. Các cấp hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đảm nhận ủy thác là 577 tỷ đồng với gần 15.000 hộ hội viên được vay. Hội duy trì có hiệu quả 27 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, (vốn 120) với 2,183 tỷ; duy trì 115 dự án Thanh niên Tuyên Quang lập nghiệp với 5,5 tỷ đồng. Hội cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân 3 tỷ đồng, hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 14 Hợp tác xã thanh niên đang hoạt động có hiệu quả.
Lãnh đạo xã Sơn Nam (Sơn Dương) tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ của hội viên Trần Văn Thịnh, thôn Cây Cọ.
Hình ảnh những người trẻ năng động với nghĩa cử cao đẹp luôn hướng về cộng đồng và đi đầu trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã ghi dấu ấn đậm nét, góp phần đẩy mạnh các phong trào thanh niên ở cơ sở, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết