Bởi thế, sẽ không có các hoạt động liên hoan phá cỗ dưới ánh trăng rằm, rước đèn ông sao, không tổ chức múa hát, vui văn nghệ… Thay vào đó, mỗi địa phương, cộng đồng dân cư, gia đình đã có phương án tổ chức đón Trung thu phù hợp và bảo đảm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Bởi thế, việc tổ chức Tết Trung thu hướng đến giá trị truyền thống được nhiều người lựa chọn. Đó là Trung thu đoàn viên, ấm áp nhưng nhiều ý nghĩa. Các thành viên trong gia đình cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ dâng lên tổ tiên với đủ bánh dẻo, bánh nướng cùng các con giống, sản vật mùa thu như hồng, bưởi, na... Ở đó không chỉ có người lớn tặng quà cho trẻ nhỏ mà các con, cháu trong gia đình cũng dành tặng ông bà, cha mẹ những phần quà ý nghĩa thể hiện tấm lòng hiếu kính, biết ơn. Và trong mâm cỗ trông trăng, người lớn sẽ kể cho các em nhỏ những câu chuyện về Trung thu truyền thống, ý nghĩa mâm cỗ trông trăng, những món đồ chơi mà ông bà, cha mẹ dành tặng các bạn nhỏ mỗi mùa Trung thu về.
Dịp Trung thu này dường như là khoảng thời gian để chúng ta sống chậm hơn. Bởi có lẽ đã lâu rồi thói quen quây quần cùng người thân bên mâm cỗ thưởng thức vị ngọt của chiếc bánh nướng, bánh dẻo, nhâm nhi ly trà nóng ngắm lũ trẻ chơi trăng đã trở thành... ngày xưa. Hay thói quen cùng bọn trẻ làm chiếc đèn ông sao năm cánh dán những giấy xanh, đỏ rực rỡ với hình con giống ngộ nghĩnh cũng ít được gia đình duy trì... Sống chậm trong mùa Trung thu là một cách để yêu thương, trân trọng, tìm lại những giá trị cốt lõi trong cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết