Khai giảng thời covid

- “Ông ơi! Sắp đến ngày khai giảng rồi mà bố mẹ cháu chẳng ai ở nhà hả ông? Cháu muốn đi học và mong bố mẹ cháu về quá!”. Đang ngồi xem ti vi, nghe tiếng cu Thiện nói bên tai, ông Thạo liền quay lại. Thằng bé đứng bên ông tự bao giờ. Gương mặt nó phụng phịu: “Đấy. Ti vi họ đang nói mùng một tháng chín đến trường, mùng năm khai giảng năm học mới rồi. Ôi! Thích quá! Cháu mong đến trường lắm ông ạ! Thế mà bố mẹ cháu vẫn ở đâu ý?”.

“Mẹ cháu đang chống dịch Covid trong thành phố Hồ Chí Minh. Bố cháu thì trực chốt kiểm dịch đầu xã. Yên trí! Đâu khắc có đó. Các cháu khác được đến trường khai giảng. Có ông bà đây, lo gì!”. Ông Thạo vỗ về thằng cháu nội. “A! Sắp được đi học rồi!”. Tiếng cu Thụy, em của Thiện bỗng vang lên. Từ phòng khách, đang xếp lego, nghe nói khai giảng, nó chạy ào vào sà vào lòng ông Thạo. “Ông chuẩn bị sách vở, quần áo, các thứ cho chúng cháu ông nhé!”, cu Thụy rối rít. Bà Thoa lên tiếng: “Được rồi. Lát nữa bà đưa hai thằng nhà bà đi sắm sửa các thứ. Được chưa?”. Cả hai anh em cùng reo lên: “Re! Nhất bà! Sắp được đến trường rồi!”. Vừa reo, chúng vừa chạy ôm lấy bà Thoa bỏ mặc ông Thạo với cái ti vi đang điểm tin về Covid.

Ông bà Thạo Thoa được hai thằng cháu nội rất kháu khỉnh. Cu Thiện năm nay vào lớp sáu, lớp đầu tiên của trung học cơ sở. Ngày trước, hồi ông bà học gọi cấp đó là cấp hai. Cu Thụy lên lớp bốn, vẫn tiểu học, cấp một. Năm học vừa rồi, hai đứa cùng trường, ông có nhiệm vụ đưa đón “lãnh đạo” đi học. Sáng đưa đi, chiều đón về. Bán trú mà. Ông hưu rồi, tha hồ thời gian rảnh rỗi. Được đưa đón các cháu đến trường là niềm vui, là hạnh phúc của ông. Vợ ông cơm nước phục vụ cả nhà. Con trai là trạm trưởng y tế xã. Con dâu là bác sĩ làm ở bệnh viện. Đại dịch Covid bùng phát, mỗi đứa mỗi nơi. Đứa theo đoàn cán bộ y tế tỉnh tăng cường cho thành phố Hồ Chí Minh dập dịch đã hơn tháng nay. Đứa theo các chốt kiểm dịch của xã. Vợ chồng chúng cùng ngành y gặp đúng thời “mắc dịch” nên vất vả quá. Ở nhà còn hai ông bà và hai thằng cháu nội. Tất cả đều phải cố.


Minh họa: Hồng Kiều

Thời dịch giã này, người lớn còn chịu được, chứ trẻ con thì khổ quá. Năm học vừa rồi chúng nghỉ tết xuyên đến tận mùa hè. Đi học mà nơm nớp lo lây nhiễm. May mà vùng ông năm nay an toàn, chúng còn kịp học hết chương trình, thi cử xong và kết thúc được năm học. Cũng gần hết tháng sáu mới xong. Nhiều nơi, dịch bùng phát, giãn cách, hoãn học, mãi không tổng hết được năm học. Kỳ nghỉ hè vừa rồi, bố mẹ cu Thiện hứa sẽ đưa anh em chúng đi du lịch ở biển. Thế mà dịch bung ra, hai thằng tiu nghỉu ở nhà chơi với ông bà. Chúng cũng chẳng dám và không được đi chơi đâu xa, kể cả quanh làng. Ông bà quản lý trực tiếp, bố mẹ nhắc nhở, kiểm tra chúng từ xa. Tất cả cũng chỉ tại con Covid. 5K hai đứa thuộc lòng. Hễ ra khỏi nhà là khẩu trang. Về tới nhà là rửa tay, sát khuẩn. Thằng anh nhắc thằng em. Thằng em theo dõi thằng anh. Nhiều khi mải đùa nghịch chúng cũng quên đấy. Khi đó, bà Thoa hoặc ông Thạo thấy, liền nhắc ngay. Rõ khổ! Tuổi thơ của chúng chẳng được như ông bà trước kia.

Theo dõi ti vi đài, báo, ông Thạo thấy đợt bùng phát dịch lần này nghiêm trọng, nguy hiểm khó lường hơn các lần trước. Ông thương và lo cho con dâu nhiều lắm. Ngày nào ông bà cũng đều điện hỏi thăm nó. Cu Thiện, cu Thụy thì khỏi nói. Mong gặp mẹ trên điện thoại còn hơn mong quà bà đi chợ về. Mấy lần đầu thấy mẹ trên màn hình Iphone, chẳng đứa nào nhận ra. Mẹ áo nilon y tế bảo hộ choàng kín người. Mũ, găng tay, tất chân, khẩu trang, kính chống giọt bắn lụng thà lụng thụng nhìn cứ như người ngoài hành tinh. Tranh thủ lúc nghỉ, mẹ điện về gặp con, thăm ông bà. Đến khi nhận ra giọng nói và ánh mắt của mẹ, hai anh em liền giằng máy tranh nhau. Đứa nào cũng muốn nói chuyện với mẹ nó. Ba mẹ con ríu rít với nhau. Ông bà cũng vui lây. Cũng chỉ được mươi phút thì tắt máy. Bao nhiêu việc đang chờ mẹ nó. Hơn nữa, cũng phải để mẹ nó tranh thủ nghỉ tý chứ. Cả nhà vẫy tay chào. Nhìn con dâu chào lại, giơ ngón tay cái ra theo kiểu “like” mà ông bà rớt nước mắt. Tưởng mươi mười lăm ngày thì về, nào ngờ hơn tháng trời nay rồi.

Hôm qua, con dâu ông Thạo điện về: “Bố ơi! Ngoài mình vùng xanh thế là may lắm đấy. Trong này, tình hình vẫn căng lắm, nhưng bố mẹ yên tâm nhé. Con sẽ cùng anh em chiến đấu và chiến thắng giặc Covid. Bố mẹ ở nhà giúp con lo cho các cháu khai giảng nhé!”. “Yên tâm đi - Ông Thạo đáp - Ở mình khai giảng được là mừng rồi. Chứ nhiều nơi, Covid này chưa biết thế nào. Mong manh lắm con ạ. Bố mẹ sẽ chuẩn bị các thứ cho hai cháu nó khai giảng vào năm học mới. Con nhớ giữ sức khỏe, bảo đảm an toàn nha. Cả nhà lo lắm đấy”. “Mẹ cẩn thận nha. Ở nhà có bố với ông bà rồi. Không phải lo nhiều cho chúng con đâu”. Cu Thiện vừa nói to vừa giơ tay vẫy tay, mỉm cười với mẹ nó. 

Ba bà cháu dắt nhau đi mua sắm các thứ chuẩn bị năm học mới. Được cái, vùng này là “vùng xanh”. Vừa rồi có chủ trương “giữ vững vùng xanh, khoanh chặt vùng đỏ, thực hiện 5K cộng vắc xin” nên tỉnh chỉ đạo lập các chốt kiểm dịch xung quanh xã. Xã ông là xã đầu tỉnh nên mới vậy. Đường chính, đường phụ, lối mòn sang tỉnh bạn đều lập chốt. Phía tỉnh bạn cũng thế. Hai bên cùng kiểm người và phương tiện đến tỉnh mình. Ông Thạo thấy làm được thế là rất tốt. Kịp thời ngăn chặn, phát hiện người từ vùng dịch về bị nhiễm virus để còn cách ly. Có như vậy dịch nó mới không lây lan.

Chứ mất bò rồi mới lo làm chuồng thì quá muộn, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Thế nên, con trai ông cũng phải trực tiếp “ra trận” như vợ nó. Đứa tiền phương, giữa vùng đỏ, tâm bão dịch, trực tiếp chống dịch. Đứa hậu phương, phòng dịch giữ vùng xanh, làm chỗ dựa vững chắc cho tuyến đầu. Chưa bao giờ ông thấy ngành y lại vất vả và quan trọng như thời gian này. Ông tự hào về vợ chồng đứa con trai của ông. Hai đứa cùng trong ngành y, cùng tham gia chiến dịch chống giặc Covid này. Nguyên là bác sĩ quân y, ông định hướng con trai theo nghiệp ông. Chẳng những nó theo ông mà còn lấy được cô vợ cũng ngành y luôn. Thế mới quý. Nếu cần, ông cũng ra trận chứ sợ gì. Thì ông cũng vừa đăng ký danh sách các y, bác sỹ nghỉ hưu sẵn sàng trở lại công việc tham gia chống dịch với xã đây. Tự hào lắm đấy. Chứ lại không?

Về hưu, ông Thạo rảnh rỗi đọc sách báo, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí của xã. Biết có chuyên môn, ông được bà con lối xóm nhờ thăm khám, tư vấn chữa bệnh. Thời gian còn lại ông dạy thêm cho hai thằng cháu, nhất là khi trường nghỉ học vì dịch và trong kỳ nghỉ hè này. Ba ông cháu quây quần cùng sách vở, giết thời gian, mở mang kiến thức. Ngoài dạy cháu học trên sách, ông còn hướng dẫn chúng học online. Nhà có một cái máy vi tính, ba mái đầu chụm lại trước màn hình. Hai cháu ông thích học kiểu này lắm. Chúng được nhìn thấy cô giáo và bạn bè nên đứa nào đứa nấy đều vui.

Nhìn hai đứa cháu say mê trước màn hình vi tính, bà Thoa lăn tăn nói với chồng: “Kể học kiểu này cũng được nhưng tôi thấy không khoái bằng đến trường”. Cu Thiện nghe thấy vội quay lại nói luôn: “Đúng đấy, ông bà ạ. Cháu thích đến trường hơn cơ”.

Ba bà cháu dắt nhau đi sắm sửa các thứ cho năm học mới. Còn lại mình ông Thạo ở nhà. Đang say sưa theo dõi thông tin dịch bệnh qua ti vi thì tiếng thằng Thành - con trai ông vang lên ngoài cửa: “Bố! Ba bà cháu đâu rồi ạ?”. Ông Thạo ngoảnh lại, nói: “Vừa đi mua sắm các thứ chuẩn bị khai giảng rồi. Thế anh không phải trực à?”. “Con hết ca, tranh thủ tạt về nhà cũng định đi mua sách vở, quần áo cho lũ trẻ. May quá, bà đã dẫn các cháu đi rồi!”. “Thì phải chủ động chứ. Đợi anh chị thì biết thế nào. Dịch giã này”. “Vâng. May ông bà còn khỏe giúp chúng con. May nữa là mình thuộc vùng xanh, an toàn nên sẽ khai giảng đúng ngày”. “Tuy vậy, vẫn không được chủ quan anh ạ. Anh nhớ luôn phải nhắc mọi người 5K đấy. Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà”. “Vâng, con biết rồi ạ!”. Vừa lúc đó thì ba bà cháu đã líu ríu ngoài sân.

“A! Bố về!”. Cu Thụy reo lên và chạy ào vào ôm lấy bố nó. Cu Thiện lễ mễ xách giúp bà mấy túi đồ. Bà Thoa cũng hai tay hai túi nặng. “Bà mua gì mà nhiều thế?”, Thành cất tiếng hỏi. Bà Thoa trả lời: “Thì quần áo, nhãn vở, giấy bút cho lũ trẻ đi học. Mấy thứ cơ bản thôi. Còn sách vở thì đăng ký, nhà trường họ mua cho rồi. Hôm nọ họp phụ huynh phổ biến thế mà lỵ”. Cu Thiện loe xoe: “Nhiều thứ lắm bố ạ. Chúng con thích lắm”.

“Bố có quà cho hai con này”. Vừa nói, anh Thành vừa lôi cái laptop từ trong cặp ra. Hai đứa con anh mắt sáng lên: 

“Laptop hả bố? Thật tuyệt vời. Thế này anh em con không phải tranh nhau máy vi tính nữa. Tha hồ học online”. “Của em”. Cu Thụy lao tới ôm cái máy. Ông Thạo cười khà khà: “Dùng chung. Trước mắt thế đã. Quà khai giảng của bố cháu thế là nhất đấy. Thi đua học giỏi nha!”. Cu Thụy vẫn nhõng nhẽo: “Ứ ừ. Của cháu cơ”. Bà Thoa vỗ về: “Ông cháu nói rồi. Hai thằng nhà bà dùng chung cho đoàn kết chứ. Học giỏi, hết dịch mẹ cháu về mua cái nữa thưởng cho. Nha”.

Nhắc đến mẹ, cả hai đứa trẻ thoáng chút ngẩn ngơ. Giá mà có mẹ ở nhà thì vui biết mấy. Tha hồ nhõng nhẽo. Tha hồ vòi vĩnh. Nhưng mà, mẹ còn phải đánh con Covid-19. Bố ở nhà có quà to thế này là mừng lắm rồi. Tối nay phải “lai chim” khoe với mẹ mới được. Ông Thạo nói với cả nhà: “Đang dịch giã thế này, quê mình khai giảng được là mừng rồi. Các cháu nhớ là phải 5K nghe chưa? Hôm này, đi khai giảng, ông sẽ đưa cu Thiện lên trường thị trấn. Cấp 2 trường huyện mà. Bà sẽ đưa cu Thụy về trường tiểu học. Được chưa?”. “Re! OK ông!”, cu Thiện reo lên. Nó giơ bàn tay ra trước mặt cu Thụy. Thụy thấy vậy cũng giơ bàn tay lại. Bàn tay hai đứa chạm nhau đánh “tét” một cái. Chúng cùng reo lên một lần nữa: “Re!”. Anh Thành nắm chặt bàn tay phải, chìa ngón cái ra, “like” chạm vào bàn tay đang chụm lại của hai con. Hai ông bà Thạo Thoa cùng cười lên hớn hở.

Ngoài sân, nắng thu vàng rực rỡ. Chim trong vườn hót véo von. Gió thu mơn man nhè nhẹ. Không khí khai giảng năm học mới hình như cũng đang hân hoan về trước ngõ.

Truyện ngắn: Đỗ Xuân Thu

Tin cùng chuyên mục