Nhạc sỹ Tân Điều với những ca khúc về Covid-19

- Nhạc sỹ Tân Điều, sinh năm 1949, quê ở xã Tân Trào (Sơn Dương) được biết đến với những ca khúc đã đi vào lòng công chúng như: Đường về Tân Trào, Áo chàm đi hội, Một ngày anh lên Chiêm Hóa. Ông từng làm Trưởng Ban Văn nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Nay nghỉ hưu ông tích cực tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật và là Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Hai năm vừa qua đại dịch Covid-19 bùng phát ông chỉ quanh quẩn ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Xem thời sự ông thấm thía cảnh đại dịch tàn phá nền kinh tế, nỗi đau của những gia đình mất người thân, sự vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch hay sự chung sức đồng lòng của người dân. Với suy nghĩ văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ trên mặt trận tuyên truyền, cổ vũ, động viên, ông trăn trở cầm bút sáng tác, phổ nhạc những ca khúc về Covid-19 để lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng.

 Nhạc sỹ Tân Điều.

Với tư duy nhạy bén thời cuộc, chỉ 3 tháng sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ ông đã cho ra lò bài hát “Những chiến binh áo trắng”. Bài hát có đoạn “Dịch bệnh như lũ giặc tàn ác, gieo đau thương tang tóc cho bao người/Cả dân tộc bước vào cuộc chiến mới, kẻ thù vô hình chính là giặc crona/Trên trận tuyến không tiếng súng, những người chiến sỹ áo trắng. Không ngại hiểm nguy không nhớ thời gian chăm lo cho từng người bệnh”.

Có tác phẩm nhạc sỹ Tân Điều vừa viết lời vừa phổ nhạc, song cũng có bài ông phổ thơ của người khác. Qua theo dõi trên mạng xã hội, ông thấy nhà thơ Trần Xuân Việt (Sơn Dương) có bài “Gửi em người chiến binh áo trắng”. Ông nung nấu mấy đêm phổ nhạc, cuối cùng bài hát “Gửi em người chiến binh áo trắng” ra đời với phong cách dân ca Tày: “Em đẹp như hoa rừng Việt Bắc, trong veo như nước suối đầu nguồn/Cô-vít về em lên đường chống giặc, bác sỹ trẻ vào trận tuyến đầu tiên/Phải cách ly gia đình bao nỗi nhớ…”.

Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Nhạc sỹ Tân Điều ít đi trại sáng tác, ông cũng ít tụ tập giao lưu giới nhạc sỹ. Thời gian còn lại ông lên hội nhóm trên mạng xã hội để trò chuyện, trao đổi, tìm tư liệu quý cho chất liệu sáng tác. Bất ngờ một hôm nhạc sỹ vô tình đọc được bài thơ “Chiều nay con không về” của Nhà thơ Vũ Tuấn (Phú Thọ) làm ông rưng rưng xúc động. Cảm xúc đó thôi thúc ông cầm bút phổ nhạc cho bài thơ. Giọng bài hát hơi chậm, tự do, sâu lắng: “Theo tiếng giọi của Tổ quốc thiêng liêng, nên chiều nay con không về cha nhé/Đừng đợi cơm, mẹ đừng rơi lệ, con sẽ về khi đất nước bình yên/Miền Nam gọi dù không phải chiến tranh những mất mát chẳng kém thời lửa khói/Bao gia đình người thân không về nữa, đồng bào đau con đâu thể yên lòng”.

Chỉ một thời gian không dài 3 tác phẩm về đề tài Covid-19 ra đời, thể hiện ông là một người nhạc sỹ luôn đau đáu với cộng đồng. Ông lan truyền các bài hát mới của mình qua cánh sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, qua kênh Youtube, mạng xã hội Facebook, Zalo. Một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lấy bài hát của ông phát nội bộ ngành như một nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế.

Nhạc sỹ Tân Điều chia sẻ: “Trong những lúc nước sôi lửa bỏng như thế này, tôi gác hết các công việc khác sang một bên. Tôi tập trung sáng tác những ca khúc mang tính thời cuộc, nhằm lấy “tiếng hát, át tiếng bom”. Những ca khúc về đề tài Covid-19 của tôi ra đời như gửi lời tri ân đến đội ngũ y bác sỹ, những người trên tuyến đầu chống dịch. Cảm ơn họ đã làm cho đất nước trở lại trạng thái bình thường như ngày hôm nay. Để các địa phương, trong đó có Tuyên Quang mãi là vùng xanh thân yêu”.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục