Sự sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc
Cố họa sỹ Văn Làn được bạn bè đánh giá là người lạc quan, xởi lởi và khá xuề xòa. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, Văn Làn đi tham gia cách mạng rất sớm. Ông học trường thiếu sinh quân rồi phục vụ quân đội suốt thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm tháng hoạt động trong quân đội ông may mắn được sống và tiếp xúc với các nghệ sỹ lớn như Phạm Văn Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, nhà văn Nguyễn Tuân, Nam Cao... Dường như đó là ngọn gió tưới mát và nhen nhóm khát vọng nghệ thuật trong chàng lính trẻ năm đấy.
Năm tháng còn trong quân ngũ, Văn Làn quen biết và kết duyên với cô gái quê quan họ Bắc Ninh. Sau đó, ông phục viên và đưa vợ về Tuyên Quang sinh sống. Ông làm việc tại ngành văn hóa, chính môi trường công tác cộng năng khiếu bẩm sinh đã giúp ông thỏa sức sáng tạo, dành trọn cho đam mê nghệ thuật.
Ở một căn nhà nhỏ ở con phố thuộc phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), bà Nguyễn Thị Thân - vợ ông sống một mình. Bà khỏe mạnh, minh mẫn và khi nhắc đến người bạn đời, bà kể về năm tháng gian nan hai vợ chồng bên nhau chăm sóc nuôi nấng 6 người con lớn khôn. Bà bảo ông là người hay lam hay làm, ít khi nề hà việc gì. Có lúc người ta nghĩ ông là những người nông dân thực thụ với cái nón mê bẹp rúm ró trên đầu, lúc xới đất trồng rau, lúc lại bận rộn với những luống hoa. Và có lúc người ta thấy ông xuất hiện trên các trục đường thị xã vẽ từng cụm pa nô, áp phích, tranh cổ động. Đồ nghề mang theo là một tay cắp cái thang, một tay xách cái xô đựng đầy bột màu và bút vẽ. Và khoảng thời gian yêu thích nhất là ông được ngồi trong góc riêng tĩnh lặng hòa mình với xúc cảm và sắc màu tạo nên những tác phẩm nghệ thuật.
Điều khiến người đối diện cảm nhận ở ông đó là luôn toát lên khát khao về hội họa, khát khao được sáng tác và thể hiện mình qua nét bút, mảng màu. Sự khát khao đó dễ dàng nhận ra khi ông có thể vẽ trên mọi thứ có sẵn mà không cầu kỳ về chất liệu. Sang thì bột màu, thuốc nước, mực nho, không thì bút chì, bút sắt trên mảnh bìa, giấy báo hay trang vở học trò, miễn sao có thể thỏa mãn niềm đam mê.
Văn Làn là lớp họa sỹ đầu tiên của Tuyên Quang. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông để dấu ấn đặc biệt ở dòng tranh chất liệu bột màu và thuốc nước. Ông vẽ những điều giản dị bắt gặp của cuộc sống về con người, quê hương miền núi. Họa sỹ Mai Hùng chia sẻ, thời kỳ đầu cầm bút sáng tác, họa sỹ Văn Làn có lối vẽ tả thực, chịu ảnh hưởng của những bài học tạo hình cơ bản trong nhà trường, chăm chút về hình họa và những gam mầu chín. Cố họa sỹ thường ghi chép tài liệu thực tế tỉ mỷ để dựng tranh. Với cách làm việc đó luôn mang đến nét đặc trưng, sự tinh tế về mầu sắc và chắc chắn về bố cục trong từng tác phẩm.
Văn Làn luôn quan niệm mọi thứ có thể xuề xòa nhưng riêng nghệ thuật tuyệt đối phải nghiêm cẩn và sáng tạo một cách nghiêm túc, trách nhiệm nhất. Tranh của ông được hoàn thiện trong sự thăng hoa, thỏa mãn mọi cảm xúc, mọi thành ý, tâm ý. Đó là điều mà công chúng yêu hội họa luôn trân trọng ở người họa sỹ này!
Sức gợi từ tranh bột màu của Văn Làn
Màu bột là loại chất liệu được điều chế từ khoáng thạch, từ quặng kim loại hoặc từ hợp chất hóa học. Trong sáng tạo mỹ thuật tất cả chất liệu đều bình đẳng. Cái khó khi sử dụng chất liệu bột màu là để diễn hình, diễn màu, phải biết dự báo được thời điểm nào khô sao cho đúng độ. Tranh bột màu của Văn Làn không chỉ là sở trường mà đã trở thành một thương hiệu.
Những bức tranh của ông gợi nhiều hoài niệm, ký ức, tình cảm về quê hương, chuyển động cuộc sống. Cái nhìn của họa sỹ về cảnh vật, sự vật thật hiền hòa, dễ thương. Trong đó tác phẩm “Đi bừa” mang đến thành công trong sự nghiệp sáng tác của cố họa sỹ. Tranh được trưng bày triển lãm tại Bắc Kinh năm 1966, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm "Đi bừa", tranh bột màu của họa sỹ Văn Làn.
Nếu như nhiều họa sỹ thường se duyên vẻ mềm mại của lụa với vẻ đẹp người thiếu nữ thì bột màu lại thường được sánh đôi với tranh phong cảnh đồng quê. Bởi với cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên chỉ thực sự tỏa sáng khi gắn với những nét vẽ phóng khoáng, sắc màu của chất liệu bột màu. Tranh phong cảnh của Văn Làn dạt dào, mướt mát luôn hiển hiện một sự chuyển động nhẹ nhàng, an yên. Đến với tác phẩm “Đi bừa” ta cảm nhận được tâm hồn ông hiền hòa, yêu quê hương đến vô cùng. Bố cục bức tranh giản đơn tái hiện phong cảnh nhộn nhịp trên cánh đồng: người nông dân cần mẫn làm ruộng, đi bừa để chuẩn bị gieo cấy. Chỉ một góc nhỏ thửa ruộng thôi nhưng mang đến cho người đọc một không gian hội họa khoáng rộng. Màu vẽ ông dùng thành những mảng miếng chứ không tỉa tót theo từng tiểu tiết nhằm đạt tới thể hiện cái hồn của cảnh vật, cái tình của người vẽ chứ không mô phỏng hiện thực một cách khô cứng. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt trong tranh Văn Làn.
Năm 1973 ông ghi dấu ấn với tác phẩm màu nước là “Phố huyện Chiêm Hóa”. Họa sỹ Mai Hùng nhận định, vẫn là lối vẽ trực họa nhưng trực họa hiện thực trong tranh ông không phải là thứ hiện thực khô khan, khi vẽ tuy tuân thủ các quy tắc tạo hình của trường quy nhưng vẫn không kém phần uyển chuyển, lãng mạn.
“Mưa bông Xín Mần”, bột mầu năm 1977, một tác phẩm với hòa sắc tím lam vẽ về chiều đông phố núi với con phố cũ mờ trong những bông tuyết, thấp thoáng dáng người liêu xiêu đầy chất thơ đã chứng minh điều đó. Tác phẩm “Mưa bông Xín Mần” đã có cách nhìn thoát hẳn những tác phẩm trực họa trước đây của họa sỹ. Các tác phẩm của ông thời kỳ sau này đã trở nên bay bổng hơn, đưa ông đến với những giấc mơ về màu sắc. Người yêu hội họa nhận thấy, từ đây ông bắt đầu từ những giấc mơ nhỏ bé bình dị như mơ về ngôi nhà nhỏ ở bản vùng cao có điện thắp sáng, mơ về cuộc sống thanh bình mà mỗi ngày đều như một ngày hội, mơ về cuộc sống hạnh phúc. Ông vẽ nhiều về đám cưới, đám cưới của dân bản, đám cưới của anh bộ đội biên phòng với cô gái Mông. Nhân vật trong tranh ông thời kỳ này thường có đôi mắt mở to, đôn hậu, mang vóc dáng khỏe mạnh của người miền núi, được diễn tả bằng bút pháp phóng khoáng, với những nét đen khỏe khoắn, mạch lạc, những mảng mầu tươi nguyên. Các tác phẩm tiêu biểu như: “Xuống chợ”, “Chiều Xoi Châu”, “Hái đào”, “Đám cưới”, “Anh bộ đội”, “Gùi ngô về bản”, “Trồng hoa”, “Điện về bản”, “Điện sáng quê nhà”...
Có thể nhận thấy các tác phẩm của ông sau này càng về cuối đời càng trở nên hồn nhiên, tươi tắn, trong sáng một cách lạ thường. Bằng tạo hình chân thật, sắc màu trong trẻo, những bức tranh lung linh gây nhiều cảm xúc về cái đẹp giản dị, tinh tế. Họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương viết trên tạp chí mỹ thuật số 5/2002: “Không rõ từ khi nào và lý do tại sao ông lại lập nghiệp ở Tuyên Quang và gắn bó với nơi này đến vậy, mãi đến năm 1994 ông mới trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội họa của ông mãi sẽ còn là điều bí ẩn với nhiều người”.
Gửi phản hồi
In bài viết