“Tuyên Quang trong Đại Nam thực lục” được các nhà sử học đánh giá là một cuốn lịch sử đặc biệt và ý nghĩa bởi lần đầu tiên có một bộ chính sử Quốc gia là “Đại Nam thực lục” đã dành rất nhiều trang viết về Tuyên Quang, Phí Văn Chiến là người dày công sưu tầm và khảo cứu. Và có thể khẳng định chưa có địa phương nào sở hữu được cuốn tư liệu quý giá như thế này! Ngay từ lời giới thiệu tác phẩm, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học đã thể hiện sự bày tỏ khâm phục trước sức làm việc dẻo dai, tấm lòng nhiệt thành với quê hương Tuyên Quang của tác giả. Ông cũng khẳng định, với nội dung phong phú, sử liệu xác thực, cuốn sách ra đời đem lại những điều hữu ích cho người đọc.
Đây là công trình tác giả đã dày công đọc, ghi chép, sưu tầm, biên khảo, nghiên cứu từ hơn 1 vạn trang trong 10 tập “Đại Nam thực lục” suốt 10 năm trời. Được biết, “Đại Nam thực lục” là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm mới hoàn thành (1821 - 1909).
Nhà báo Phí Văn Chiến chia sẻ rằng, ngay khi đọc tập 1 của “Đại Nam thực lục”, ông đã bắt gặp những trang viết về Tuyên Quang. Ông ngỡ ngàng, hạnh phúc khi càng đọc càng thấy nhiều tư liệu đáng quý về quê hương. Xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu, cộng thêm tình yêu mãnh liệt với “nơi chôn nhau cắt rốn”, ngay lập tức ông đã bắt tay vào thực hiện công trình như một sự thôi thúc. Và phải đến 10 năm sau tác phẩm mới hoàn thành. Cuốn sách chứa đựng tất thảy công sức, tâm huyết, sự thành kính, tình yêu với quê hương của tác giả.
Tác phẩm bao gồm các phần chính: Tư liệu lịch sử về Tuyên Quang sưu tầm từ hàng vạn trang lịch sử của quốc gia là “Đại Nam thực lục”. Đặc biệt phần khảo cứu những tài liệu trong cuốn sách với những nội dung về những người đã làm quan ở Tuyên Quang, chức quan của các vị đã làm quan ở Tuyên Quang dưới thời nhà Nguyễn; Danh từ, địa danh Tuyên Quang qua các thời vua nhà Nguyễn; Các cuộc nổi dậy của người Tuyên Quang chống lại nhà Nguyễn. Ở phần cuối có 9 tấm bản đồ cổ vô cùng quý giá về Tuyên Quang thời Đồng Khánh đã được dịch từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ.
Các nhà nghiên cứu sử học nhận định cái hay của sách sử học là có khảo cứu. Ở tác phẩm này, tác giả Phí Văn Chiến đã dày công khảo cứu một cách có quy mô, kỳ công, trình bày bài bản, khoa học một cách đáng nể. Nói về mong muốn, tác giả chia sẻ, ông mong rằng mỗi người yêu Tuyên Quang, yêu lịch sử quê hương, đặc biệt là thế hệ trẻ có được trong tay tư liệu này để thấy rõ được giá trị lịch sử, nguồn cội gốc tích xứ Tuyên.
Suốt nhiều năm qua, Phí Văn Chiến còn tham gia trong việc biên soạn nhiều sách lịch sử quý giá cho Tuyên Quang. Điển hình như: tham gia biên tập lần cuối “Cuốn Từ điển Tuyên Quang”, tham gia viết Sách “Địa danh các làng xã tỉnh Tuyên Quang”, “Biên niên các sự kiện tỉnh Tuyên Quang”…
Nhiều người trân quý gọi ông là “Nhà Tuyên Quang học”, thế nhưng ông luôn khiêm nhường nói rằng: “Tôi chỉ là một nhà báo yêu quê hương, yêu lịch sử. Chính quê hương đã nuôi dưỡng chắp cánh cho tôi thực hiện hoài bão, ước mơ. Bao năm xa quê sống ở Hà Nội, tôi luôn day dứt nỗi nhớ quê nhà. Và khi đến với lịch sử (thể loại chính sử), tôi như thỏa mãn được cảm xúc tìm về với nguồn cội. Càng tìm hiểu càng trân quý lịch sử và tôi như càng say mê hơn!”.
Gửi phản hồi
In bài viết