Từ sau hôm, đi cuốc đám ruộng Cửa Chùa về, ông Hạ trúng cảm, mất tiếng không nói thành lời, cổ khàn đặc, bỏng rát. Ông Hạ bưng bát cháo đưa cho con gái, ý bảo cô ăn. Cô gái chối đây đẩy.
- Bố thương con, bố ăn đi cho lại sức. Cô gái múc từng thìa nhỏ bón cho bố. Ông lão húp từng tý một, ngẫm ngợi, nước mắt chẩy ra thành dòng, lăn trên hõm má nhăn nheo. Nghĩ thương con gái, hai bận đi lấy chồng, không qua được đời con gái. Đời chồng trước lấy được người tử tế, vợ chồng sống với nhau chưa quen hơi bén tiếng, chồng đi bộ đội, rồi đi miết vào Nam. Đến năm 1975, chồng người ta về, mình nhận giấy báo tử. Lấy đời chồng thứ hai, gặp người chẳng ra gì, rượu, chè, cờ bạc, nghiện hút. Không ngày nào không bị nó đánh, tối tăm mặt mũi. Cũng cố nhịn nhục, nhưng đâu có được. Thằng chồng dính đến trộm cắp, bị đi tù, chết rũ trong tù. Lại khăn áo về ở với bố. Phải năm đói khát, trả hết nợ sản, nhà sạch bách. May chỉ có hai bố con, rau cháo qua ngày. Đông đàn dài lũ như nhà người ta không biết sống bằng gì.
Người già những lúc khốn cùng thường hay cả nghĩ. Đời người chả mấy khúc vui, cứ suy từ lão ra thì biết. Thuở nhỏ ông bố đẻ ra Lão là người có chữ nghĩa. Chỉ sau vụ chanh chức Chánh Tổng bị thua phải bỏ làng đi, đến làng Châm này. Được ông bá Hoàn, lưu lại để dậy hai đứa con trai học, và ghi chép người làng đến cầm cố vay nợ, Lão làm đứa ở.
Ông bá có cô con gái út, tuổi Lão. Lão cùng cô chủ, chăn trâu, cắt cỏ, đưa cơm cho thợ cày. Lão nhanh trí, cái gì cũng chỉ xem qua một lượt là làm được ngay. Tính nết lại cẩn thận, được ông bà chủ yêu mến, vậy thôi, khi biết cô chủ đem lòng yêu đứa ở, ông bà Bá quyết định cho cô chủ lấy chồng chạy tang con trai nhà Chánh Bảo bên sông. Lão đau xót lắm. Biết mình chỉ là phận đứa ở cũng nguây ngoai dần. Cô chủ lấy chồng chưa được năm, chồng chết. Đoạn tang lại về với bố mẹ. Những tưởng tình xưa nghĩa cũ lại được tái hồi, nồng thắm hơn, nào ngờ lại bị khoét sâu hơn. Cô chủ đi lấy chồng lần hai, lấy con ông Bá Tùy vẫn bên sông. Lão lăn đùng ra ốm, trọc lốc như đầu ông sư. Khỏe lại Lão tình nguyện đi dân công chiến dịch Điện Biên Phủ. Bạn gái gặp nhiều, nhưng Lão vẫn không nguôi quên hình bóng cô út nhà ông chủ. Hết chiến dịch Lão về làng, gặp cô chủ trên đầu hai vành khăn tang, tang chồng, tang bố đẻ. Lão ôm diết cô chủ vào lòng, thầm thì:
- Đã đến đoạn này rồi, chắc ông trời cho hai đứa mình thành vợ chồng, mình nghĩ sao? Cô chủ chỉ chờ chàng trai nói vậy. Họ thành vợ chồng.
Cậu cả, con ông Bá, cho vợ chồng cô út. Mảnh vườn đủ để làm căn nhà nhỏ, trồng mấy khóm chuối. Vợ chồng Lão đón ông bố về ở cùng. Phát động giảm tô, cải cách ruộng đất, lão được chia ruộng, vào tổ đổi công, lên hợp tác, cứ tưởng cuộc sống khấm khá mãi lên, nào ngờ, ngoặt phải, ngoặt trái cái đói cứ nhè vào đầu đám dân cầy mà quần thảo. Vợ Lão ốm không có tiền mua thuốc kịp thời, đưa đến bệnh viện không cứu được nữa. Lão sống như đã chết vậy.
Chả hiểu sao, mấy ngày này dân làng đồn ầm lên, Lão cuốc đám ruộng Cửa Chùa bắt được hũ vàng. Dân làng đổ xô đến đám ruộng, phiến đá to bằng cái mâm. Cũng tròn trịa như thế được nậy lên, đất chỗ gầm hòn đá có một vệt lõm hình cái hũ, áng chừng đựng được cân gạo. Đích thị là hũ vàng. Có người còn nói: Mấy năm trước có toán khách lạ đến đây hỏi về ngôi chùa cổ. Ngôi chùa đã nát từ lâu, chỉ còn nền đất chẳng ra hình thù gì. Ai cũng đoán già đoán non khu đồng ấy có vàng nên toán khách mời dò tìm như vậy. Ai cũng tin ông Lão bắt được vàng, lại không tế lế thần linh, nên các ngài của, mới ốm đau như thế.
Minh họa: Hồng Kiều
Thương bố mấy lần cô gái muốn dò hỏi bố xem sao. Lần nào đánh thức bố dậy, nhìn đôi mắt già nua, giàn rụa nước mắt, cô lại thôi. Tiếng đồn ông Lão bắt được vàng loang mãi ra. Ông Thông Đống một tay bẻm mép trong làng nó xưng xưng, không cần úp mở:
- Chẳng có ma quỷ, thánh thần nào ở đây hết. Ông đồ Kỉ bố ông Hạ bây giờ, được ông bá Hoàn tin tưởng. Ông Bá tích cóp được bao nhiêu vàng bạc, bèn bảo ông đồ Kỉ mang đi giấu. Ông đồ Kỉ vốn là tay thâm nho, giấu một chỗ báo cho ông Bá Hoàn một chỗ, chỉ bảo riêng cho con trai mình là Ông Hạ chỗ giấu. Đến đoạn cơn đen, vận túng ông Hạ lấy lên để dùng. Số vàng ấy là mồ hôi nước mắt của cả cái làng này. Ông Hạ lấy lên dùng phải phân xử thế nào cho phải không thể chiếm thành của riêng được. Cô gái nghe họ nói chơi chơi thế, thấy nẫu cả ruột, mong bố chóng khỏi để hỏi cho ra chuyện. Nhất là khi cô nhận được công văn của xã bảo “Khi nào ông cụ khỏi bệnh, mang ngay hũ vàng đến ủy ban xã khai báo” cô càng như ngồi phải tổ kiến lửa.
***
Mấy ngày sau, bệnh ông Lão thuyên giảm. Ông Hạ bắt đầu nói được. Cô gái lựa lời hỏi chuyện. Khi biết rõ đầu đuôi, ông Hạ nói chậm giãi:
- Bố có bắt được cái hũ như thế. - Thực hả bố/ - Thực mà!
- Bây giờ bố tính sao?
- Bố tính thế này, ngày mai con đi báo dân làng, các ông trong chính quyền xã đến nhà ta. Bố xin trình bầy với dân làng, chính quyền cái hũ vàng ấy, còn họ phân xử thế nào, tùy.
Hôm sau, mới vào đến sân ông Thông Đống đã bô bô: Tôi biết ngay mà, thế nào ông Hạ sẽ phân xử một cách cao thượng. Được hũ vàng của ông, đủ chống đói cho cả làng đến tận sang năm chứ lại. Ông Thông Đống bước vào nhà hồ hởi: Thế nào, ông bạn già, khỏe rồi chứ. Ông Thông Đống sấn đến chỗ ông Hạ nằm. Dân làng, các vị trong ủy ban lục tục kéo đến. Có người vì tò mò, nghe đồn bắt được hũ vàng chỗ này, chỗ nọ nào ai nhìn thấy tận mắt bao giờ. Khi dân làng và các vị trong ủy ban đến đông đủ, ông Hạ mới nhỏm dậy, lấy chiếc hũ sành màu da lươn, vẫn còn nguyên những vết đất bẩn, để ngay trên bàn thờ, chỗ ai cũng có thể nhìn thấy, xuống. Ông Hạ giơ cái hũ cho mọi người xem, rồi nói:
- Thưa các vị trong chính quyền xã và bà con, cái hũ ấy đây. Ông Thông Đống tròn xoe mắt nhìn cái hũ lầm bẩm: Quái, cái hũ mấy lần đến thăm Lão vẫn thấy để tơ hơ ra đấy, mà mình không đoán ra nhỉ, lú lẫn thật rồi.
Đợi mọi người nhìn kỹ cái hũ, tiếng xì xèo lắng dần, ông Hạ nói tiếp: Giờ tôi nhờ ông Thông Đống nhìn kỹ cái hũ, xem còn nguyên vẹn không, hay đã được cậy nắm ra rồi. Xem xong nhờ ông cậy nắm xem trong hũ đựng gì.
Ông Thông Đống trịnh trọng đón lấy cái hũ, ngó đi, xem lại bốn xung quanh, rồi nói: Vết đất vẫn còn nguyên vẹn, nắp chưa được mở. Giờ tôi mở nắp. Ông Thông Đống cậy nắm hũ. Thò tay vào trong lấy ra mảnh giấy được bọc trong miếng vải nhựa, rất cẩn thận.
- Bản đồ, gia phả chỉ chỗ giấu vàng chăng, có tiếng xì xào. Ông Thông Đống nói thong thả: Bản đồ giấu vàng hay gì gì, biết ngay đây. Ông Thông Đống mở miếng ni lông, lấy ra tờ giấy.
- Gia phả, hay bản đồ giấu vàng nhờ ông Lương, chủ tịch xã đọc cho tất cả cùng nghe.
Tờ giấy được mở ra trước mặt mọi người. Nó được ghi bằng hai thứ chữ, chữ Hán và chữ Quốc Ngữ, viết bằng mực tầu đen nhánh. Ba chữ đầu viết to, tô đậm, ai cũng đọc được THẺ NHẬN RUỘNG hàng thứ hai ghi tên, tuổi, người được nhận, hàng thứ ba ghi sứ đồng, diện tích thửa ruộng, hàng thứ tư ghi ngày, tháng, năm được cấp. Chờ ông chủ tịch Lương đọc xong ông Hạ nói:
- Vàng đấy bà con, năm 1955 chính phủ chia cho bố con tôi thửa ruộng này. Cũng sợ có người sau này lấn chiếm, bố tôi đã cho tấm thẻ nhận ruộng vào cái hũ, chôn ở xó ruộng, làm bằng chứng, nếu có ai tranh chấp lấy ra làm bằng. Trải bao biến đổi, nay tôi được nhận lại thửa ruộng này. Mới đây, phá bờ, cuốc góc tìm thấy cái hũ, thưa bà con tấc đất, tấc vàng, vàng đấy.
Ông Lão dồn hết lực để nói, những lời ấy, rồi ho rũ rượi. Mọi người xúm vào đỡ lấy Lão. Ông Lão lả ra như tầu lá gặp lửa. Nước mắt ứa ra, thoi thóp thở.
Gửi phản hồi
In bài viết