Hội CCB huyện Lâm Bình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác nhận ủy thác với ngân hàng. Hiện nay, Hội đang quản lý 51 tổ vay vốn, dư nợ tính đến cuối tháng 7-2023 trên 101 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều CCB đã vươn lên làm kinh tế giỏi nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Cùng với đó, Hội CCB huyện đã tổ chức cho hội viên tham gia các lớp tập huấn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, phát triển thêm các mô hình chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh...
Là hộ nghèo, thông qua Hội CCB xã, ông Chẩu Văn Binh, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) được vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi bò sinh sản. Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi nên ông tập trung lựa chọn con giống, thức ăn và vệ sinh phòng dịch nên đàn bò 8 con của gia đình ông Binh phát triển tốt, giúp có thêm việc làm, tăng thu nhập, phấn đấu thoát nghèo bền vững; kinh tế của gia đình đi vào ổn định và từng bước khấm khá hơn.
CCB Đỗ Phúc Minh, thôn Kim Ngọc, xã Minh Quang (Lâm Bình) chăm sóc vườn chanh của gia đình.
Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình kinh tế, Hội CCB huyện đã chỉ đạo các cấp hội quan tâm công tác xây dựng quỹ hội, vì vậy nhiều hội cơ sở có chân quỹ cao như Hội CCB xã Minh Quang, Phúc Sơn, Thượng Lâm, Khuôn Hà. Hiện, toàn huyện có 73 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều CCB làm kinh tế tiêu biểu là mô hình sản xuất kinh giỏi các cấp.
Từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch giải phóng miền Nam và chiến tranh biên giới năm 1979, là bệnh binh nhiễm chất độc màu da cam, nhưng CCB Đỗ Phúc Minh, thôn Kim Ngọc, xã Minh Quang là tấm gương điển hình trên mặt trận phát triển kinh tế hiện nay. Với phẩm chất gương mẫu của người lính bộ đội Cụ Hồ, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, CCB Đỗ Phúc Minh đã tự tìm tòi, học hỏi qua báo chí, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Với lợi thế đất lâm nghiệp, ông trồng 5 ha keo, 1 ha chanh tứ thì, chăn nuôi cá trên diện tích ao 0,8 ha. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng. CCB Đỗ Phúc Minh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các CCB muốn tìm hiểu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế như của ông.
Từ sự cố gắng vươn lên của các hội viên, Hội CCB huyện Lâm Bình đã góp phần đưa số hộ khá, giàu tăng đáng kể, số hộ nghèo giảm xuống còn 533 hộ. Hội CCB huyện Lâm Bình còn phân công 3 hoặc 5 hộ hội viên có mức sống khá giúp đỡ một hộ hội viên nghèo để giảm nghèo nhanh, bền vững, xóa nhà tạm nhà dột nát.
Những kết quả đạt được của Hội CCB huyện Lâm Bình đã tiếp sức, khích lệ, động viên hội viên phát huy ý chí người lính, dám nghĩ dám làm, phát huy tính sáng tạo và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Chủ tịch Hội CCB huyện Lâm Bình Chẩu Xuân Trường cho biết, thời gian tới, Hội CCB huyện sẽ tăng cường chỉ đạo các cấp hội tập trung củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, không ngừng nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Gửi phản hồi
In bài viết