Người dân tưởng niệm cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại thành phố Nara. Ảnh: Getty Images
Sinh năm 1954 tại Tokyo, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo xuất thân trong một gia đình có uy tín về chính trị. Theo các nhà phân tích, nhà lãnh đạo này có thời gian cầm quyền dài kỷ lục là nhờ việc có thể mang lại sự thịnh vượng kinh tế và ổn định chính trị trong nước và đã luôn phấn đấu "để Nhật Bản không bao giờ trở thành quốc gia hạng hai" đúng như ông từng nói.
Thành tựu quan trọng của ông Abe Shinzo là đã khôi phục đảng Dân chủ tự do sau nhiều năm xảy ra tranh giành quyền lực nội bộ và các vụ bê bối tài chính. Nhờ thế, ông có được tiền đề quan trọng, tiến tới củng cố nền kinh tế Nhật Bản và vun đắp quan hệ đối tác với Mỹ. Trong nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai, ông đã theo đuổi các chính sách kinh tế mệnh danh là "Abenomics", được đánh dấu bằng việc nới lỏng tiền tệ lớn, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu nhằm đánh bại giảm phát và xoay chuyển nền kinh tế trì trệ của quốc gia. Dưới sự chèo lái của ông, Nhật Bản đã mở cửa đối với người lao động, nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết...
Với quốc tế, Nhật Bản đã đạt được các thỏa thuận thương mại lớn với Liên minh châu Âu (EU) và các nước ở châu Á - Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ của ông Abe Shinzo. Ông cũng thành công trong cân bằng giữa các siêu cường, đồng thời củng cố mối quan hệ của Nhật Bản với các nước khác trong lục địa châu Á. Với tầm nhìn về một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở", chính trị gia này đã củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và khu vực thông qua chính sách đầu tư tích cực. Nhật Bản đã có nhiều bước tiến trong việc mở rộng liên minh an ninh với đồng minh Mỹ và duy trì thương mại với Trung Quốc, bất chấp cạnh tranh leo thang giữa hai nước này.
Những đóng góp to lớn của cựu Thủ tướng Abe Shinzo cho đất nước và quốc tế khiến sự ra đi của ông nhận được sự tiếc thương sâu sắc. Lãnh đạo các nước, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen... đã gửi điện chia buồn, bày tỏ đoàn kết với Nhật Bản trong giai đoạn khó khăn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ca ngợi ông Abe Shinzo là "người bảo vệ trung kiên của chủ nghĩa đa phương, một lãnh đạo được tôn kính, một người ủng hộ nhiệt thành của Liên hợp quốc".
Nữ hoàng Anh Elizabeth II chia sẻ: “Tôi nhìn thấy rõ tình yêu của ông ấy với Nhật Bản”, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá ông Abe Shinzo là “chính khách kiệt xuất, người đã đứng đầu Chính phủ Nhật Bản trong thời gian dài và đã đóng góp rất nhiều để phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước”. Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nhấn mạnh, ông Abe Shinzo là “một chính khách toàn cầu vĩ đại, nhà lãnh đạo xuất chúng đã cống hiến cả cuộc đời mình để giúp Nhật Bản và thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn”. New Delhi cũng tuyên bố để quốc tang ngày 9-7 để tưởng nhớ cựu Thủ tướng Nhật Bản, trong khi Mỹ treo cờ rủ ở Mỹ để vinh danh cố Thủ tướng Nhật Bản.
Dù sự cố lần này là cú sốc lớn với Nhật Bản, nhưng sẽ không làm đảo quốc Mặt trời mọc lỡ nhịp tiến về phía trước. Tinh thần quật cường của nền kinh tế số một châu Á sẽ thể hiện trước tiên ở việc vượt đau thương để tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng viện ngày 10-7, qua đó mở đường cho những tiến trình mới, phát huy những di sản quan trọng mà cựu Thủ tướng Abe Shinzo để lại cho đất nước và nhân dân Nhật Bản.
Gửi phản hồi
In bài viết