Dịch Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại châu Âu, nhất là ở các điểm nóng du lịch.
Thống kê của WHO cho thấy, số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã tăng gần 30% trong 2 tuần qua với hơn 4,1 triệu ca được báo cáo. Tại nhiều nước, biến chủng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang chiếm ưu thế.
Bản cập nhật dịch tễ học hằng tuần của WHO về Covid-19 cho thấy xu hướng tăng số ca mắc mới bắt đầu cách đây 4 tuần, sau khi số ca mắc giảm kể từ mức đỉnh cuối cùng vào tháng 3-2022. Đơn cử như ngày 7-7, Nhật Bản ghi nhận 47.977 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp trong tuần này số ca mắc mới vượt mốc 40.000 ca, cao gấp đôi so với một tuần trước. Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang chứng kiến số ca mắc mới gia tăng. Đặc biệt, dịch Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại châu Âu, nhất là ở các điểm nóng du lịch, do tác động của biến chủng phụ BA.5. Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… đều ghi nhận mức tăng đáng kể các trường hợp mới nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Hy Lạp là một trong những quốc gia có số ca mắc gia tăng trong những tuần gần đây. Bộ Y tế Hy Lạp cho biết, khoảng 11.700 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong ngày 5-7, tăng gần gấp 3 lần so với tuần trước.
Trên khắp Tây Ban Nha, số ca mắc bệnh tăng hơn 60% so với tháng trước. Hiện có khoảng 10.000 người đang được điều trị Covid-19, chiếm 8% tổng công suất giường bệnh ở quốc gia này.
Theo WHO, trong 18 tháng qua, hơn 1,2 tỷ liều vắc xin đã được phân phối trên khắp thế giới và 75% nhân viên y tế, người trên 60 tuổi hiện đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, trong làn sóng Covid-19 mới, thế giới đứng trước 4 thách thức lớn, có thể khiến Covid-19 lây lan nhanh.
Trước hết, đó là tỷ lệ xét nghiệm đã giảm tại nhiều quốc gia. Điều này khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về sự phát triển của vi rút cũng như thực tế dịch bệnh trên toàn cầu, kéo theo giới chuyên gia không thể đưa ra các biện pháp điều trị đủ sớm để ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong. Trong khi đó, các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng vi rút tiềm năng chưa đến được với người dân tại các nước thu nhập thấp, khi hiện tại tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở các nước nghèo là khoảng 13%. Không chỉ vậy, khi vi rút phát triển, khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi vắc xin tăng cường, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cao nhất. Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài tăng lên, ảnh hưởng đến các bệnh nhân và gia đình, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và kinh tế - xã hội nói chung.
Người đứng đầu WHO khẳng định những thách thức này đòi hỏi hành động ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và địa phương. Theo đó, các nước cần tập trung tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ cao, trong đó có người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ thuốc viên kháng vi rút và các phương pháp điều trị khác cho người dân.
Hiện, giới chức y tế đang kêu gọi người dân sử dụng lại khẩu trang và các biện pháp phòng bệnh, đồng thời cảnh báo rằng sự gia tăng biến chủng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron có thể dẫn đến sự tái áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết