Một giờ luyện tập bóng đá của học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang).
Từ nguồn ngân sách Trung ương, năm 2019, Trường THPT Lâm Bình (Lâm Bình) được đầu tư xây dựng 1 nhà thi đấu đa năng gần 1.000 m2, có sức chứa hơn 500 chỗ ngồi, được thiết kế khoa học, thoáng, rộng, thuận tiện; hệ thống cửa đi rộng, đủ ánh sáng… Nhà thi đấu được đưa vào sử dụng là nơi lý tưởng để học sinh trong trường luyện tập TDTT, thi đấu cầu lông, bóng chuyền, hoạt động ngoại khóa, hội diễn văn nghệ…
Em Lương An Thuyên, học sinh lớp 12C1, Trường THPT Lâm Bình chia sẻ, cuối buổi chiều nhà thi đấu mở cửa cho tất cả học sinh có nhu cầu vui chơi, giải trí. Vốn đam mê chơi môn cầu lông nên sân cầu gắn bó với em suốt 3 năm qua. Đây là nơi em cùng các bạn thường xuyên gặp nhau tập luyện, thi đấu. Qua đó giúp em rèn luyện sức khỏe, có cơ hội làm quen, giao lưu với bạn bè.
Thầy giáo Ngô Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) cho biết: Việc tạo sân chơi thể thao cho học sinh là mục tiêu mà hầu hết các trường hướng tới. Trường đặc biệt quan tâm công tác này bởi những tác dụng tích cực của thể thao đối với sức khỏe, thể chất của học sinh. Hiện nay, nhà trường có 1 nhà thi đấu, 1 sân cỏ nhân tạo, 1 bể bơi và 1 sân chơi bóng rổ, bóng chuyền có mái che. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, hoạt động dạy và học môn thể dục của trường đạt hiệu quả khá cao và ngoài giờ học các sân tập luyện TDTT thu hút đông đảo học sinh của trường tham gia tập luyện.
Để có được phong trào TDTT phát triển mạnh mẽ trong nhà trường như hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn coi đây là tiêu chí quan trọng trong công tác xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Giáo dục thể chất có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hoạt động TDTT trường học sẽ kích thích việc rèn luyện thân thể - giữ gìn sức khỏe của học sinh, nhằm nâng cao thể lực, thể chất con người, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực đang có nguy cơ xâm nhập học đường.
Gửi phản hồi
In bài viết