Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký ban hành Kế hoạch Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.
Theo đó, Đà Nẵng khẳng định phát triển nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp, chất lượng cao, bảo đảm đủ nhân lực và xem như là một lợi thế đặc biệt quan trọng của thành phố trong thu hút đầu tư, nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số và nền kinh tế số thành phố, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), xây dựng thành phố thông minh, đủ năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Đà Nẵng đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đà Nẵng đề ra mục tiêu cụ thể sẽ tập trung phát triển nền Kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp công nghệ thông tin-TT chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025. Phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025. Hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp công nghệ. Đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân. Có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm hoặc nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng/năm vào năm 2025...
Kế hoạch này nêu rõ, dựa trên số liệu dự báo của Quy hoạch thành phố; đến năm 2025 có tối thiểu 4.650 doanh nghiệp công nghệ số và 75.000 nhân lực công nghệ số, hoạt động của các doanh nghiệp tập trung các công ty phát triển công nghệ cốt lõi; phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kỹ thuật số (phần mềm, tự động hóa, thiết kế vi mạch,…); xây dựng, phát triển tích hợp các giải pháp kỹ thuật số; khởi nghiệp. Đến năm 2030, tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số. Tỷ trọng nhân lực công nghệ số trên tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 10,3% vào năm 2025 (mức trung bình cả nước là 2,83%) và 13,7% vào năm 2030 (mức trung bình cả nước là 4,78%). Trong giai đoạn 2022-2025, cần tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và giai đoạn 2026-2030, cần tối thiểu 8.000 nhân lực/năm.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin được xác định là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc thúc đẩy chuyển đổi số. Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 44.000 nhân lực công nghệ thông tin; trong đó, 20.500 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; lương bình quân đạt 17,8 triệu đồng/người/tháng.
Tính đến tháng 6/2022, thành phố có 2,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp CNS/1.000 dân); tổng nhân lực công nghệ thông tin thành phố hơn 44.000 người. Thành phố hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy.
Trong số các trường đại học, cao đẳng, có 17 trường đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, 13 trường đào tạo các chuyên ngành gần (Điện tử-Viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa, Tin học thống kê, Tin học xây dựng,...). Năm 2021, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố khoảng 5.700 sinh viên; trong đó, trình độ đại học, cao đẳng khoảng 4.500 sinh viên…
Gửi phản hồi
In bài viết