Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, băng tần 6GHz đang được cơ quan quản lý tần số các nước nghiên cứu và tiếp cận về quy hoạch cho các hệ thống cấp phép (như IMT - thông tin di động), hoặc miễn cấp phép (như Wifi) theo các hướng khác nhau. Đây là một trong những chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực về thông tin vô tuyến trong thời gian qua. Băng tần 6GHz (5925-7125 MHz) cũng là chủ đề để chuẩn bị cho Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2023 (WRC-23), ITU-R (Bộ phận Thông tin vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU) nghiên cứu khả năng quy hoạch hài hòa băng tần 6425-7025 MHz cho khu vực 1 và băng tần 7025-7125 MHz cho toàn cầu để triển khai IMT - thông tin di động.
Toàn cảnh hội thảo "Kết nối băng rộng không dây trên băng tần 6GHz tại Việt Nam" diễn ra sáng 8-11.
“Việc thông tin đa chiều về nhu cầu và xu hướng sử dụng băng tần 6GHz cho vô tuyến băng rộng, đồng thời, xem xét thêm từ góc độ nhu cầu của thị trường, hiệu quả triển khai mạng và dịch vụ của doanh nghiệp, lợi ích xã hội của các giải pháp kết nối băng rộng trên băng tần này được đặt ra với vị trí quan trọng”, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện nhấn mạnh.
Đại diện cơ quan quản lý như Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các nhà mạng cũng đã có tham luận đáng chú ý. Trong đó, đại diện Cục Viễn thông cho biết một số mục tiêu về chiến lược hạ tầng số được đề ra: Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s,Tb/s) thông qua việc thúc đẩy, khuyến khích hợp tác công tư để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp khu vực tư nhân phục vụ cho phát triển hạ tầng. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (5G và các thế hệ tiếp theo) và phát triển thêm 4-6 tuyến cáp quang quốc tế.
Đại diện các tập đoàn VNPT, Viettel cho rằng, băng tần trung là băng tần quý trong phát triển hạ tầng viễn thông trong kỷ nguyên băng rộng. Do vậy, cơ quan quản lý nên dành băng tần 6GHz cho phát triển cả IMT và wifi để bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dùng, trong đó, chú trọng dùng cho phát triển mạng di động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là mục tiêu chuyển đổi số quốc gia để phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc sử dụng băng tần 6GHz cần hài hòa với các nước trong khu vực và thế giới để có thiết bị mạng và đầu cuối phổ biến, giá thành thấp tại Việt Nam…
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các hãng công nghệ toàn cầu cũng chia sẻ về công nghệ băng thông rộng không dây mới nhất, trong đó, nhấn mạnh về công nghệ băng thông rộng không dây (IMT với Wifi) và các ứng dụng; về công nghệ wifi 6E mới nhất được triển khai; khả năng cung cấp dịch vụ của 5G và wifi 6E trong từng trường hợp sử dụng, gồm nhu cầu kết nối cho giai đoạn phát triển tiếp theo của internet, như Metaverse (vũ trụ ảo)…
Gửi phản hồi
In bài viết