Nhiều năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên các cơ chế, chính sách, nguồn lực cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN, góp phần tăng năng suất, chất lượng, thay đổi tập quán canh tác và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, KHCN đã đóng góp quan trọng đưa sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đạt kết quả cao, toàn diện với độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2017-2021 đạt 3,48%/năm.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gia Phúc, tại Khe Lang, xã Thường Nga, Can Lộc (Hà Tĩnh) đã áp dụng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững trên diện tích 30ha. Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc, Lê Vạn Hải chia sẻ, HTX đã đầu tư 2,3 tỷ đồng cho hệ thống tưới nước và cung cấp dinh dưỡng theo công nghệ Israel, mời các chuyên gia Israel sang lắp đặt và chuyển giao quy trình với hệ thống nhà điều hành và 6 trạm van bố trí trong trang trại. Với phần mềm được lập trình sẵn, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến đã giải phóng sức lao động rất lớn. Theo tính toán, nếu làm thủ công, muốn tưới hết trang trại phải cần ít nhất 20 công nhân làm việc trong nhiều giờ liền. Sau khi được các chuyên gia Israel hướng dẫn và chuyển giao công nghệ, các xã viên HTX và người lao động đã làm chủ, vận hành thành thục tất cả trang thiết bị sẵn có. Nhờ thực hiện tối đa cơ giới hóa vào sản xuất nên hầu hết công đoạn đều được làm bằng máy, từ máy cày, máy xúc, máy xới đất, máy làm cỏ. Hiện trang trại cây ăn quả Khe Lang có 5.000 gốc bưởi, 3.500 gốc cam, 2.000 gốc ổi, 1.500 gốc chanh, 1.500 cây thanh long, 800 gốc táo và 500 gốc mít được quy hoạch bài bản. Hiện tại sản phẩm ổi sạch Khe Lang của HTX Nông nghiệp Gia Phúc đạt chứng nhận chuẩn OCOP 3 sao và HTX đang tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cam, bưởi, táo.
Thành công trong ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng được coi là thế mạnh của tỉnh Phú Thọ. Tỉnh xây dựng các nhiệm vụ cụ thể cho nghiên cứu KHCN, mạnh dạn ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tổ chức các hội đồng tuyển chọn các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, nhờ ứng dụng KHCN, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Phú Thọ đạt 4,68% (vượt mục tiêu 3,5-4%), trong đó, năm 2021 đạt 3,23%; tổng giá trị tăng thêm đạt 8.503 tỷ đồng.
Chuyển biến rõ nhất từ ứng dụng KHCN tại Phú Thọ có lẽ phải kể đến thủ phủ bưởi đặc sản Đoan Hùng và bưởi Diễn với quy mô gần 4.500ha tại huyện Đoan Hùng đang cho sản lượng 32,6 nghìn tấn. Việc xây dựng một số mô hình đầu tư, thâm canh, hỗ trợ bao bì, tem điện tử truy xuất nguồn gốc, thí điểm ký kết tiêu thụ sản phẩm của tỉnh và huyện đã giúp người nông dân đưa bưởi Đoan Hùng vươn ra thị trường khắp trong và ngoài nước. Theo các hộ dân, thu nhập từ trồng bưởi cao gấp 6 đến 8 lần so với trồng lúa, 20 đến 25 lần so với trồng cây lâm nghiệp và gấp 5 lần cây chè.
Việc ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, xây dựng NTM hiện đã và đang được Hà Tĩnh, Phú Thọ đẩy mạnh. Tuy nhiên thực tế cho thấy các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học ứng dụng thành công ở một số mô hình, sản phẩm, nhưng việc nhân rộng còn chậm, nhất là đối với sản xuất quy mô nhỏ lẻ của các hộ nông dân, nhiều trang trại chủ yếu vẫn sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, ứng dụng KHCN còn thấp. Do đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn tới, ngành nông nghiệp tiếp tục xác định KHCN là động lực then chốt; phải đi trước một bước để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh đầu tư, xây dựng kế hoạch và triển khai ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm phục hồi và phát triển bền vững các mặt hàng nông sản chủ lực, đồng thời, quyết tâm giữ vững thương hiệu bưởi Đoan Hùng là một trong 75 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Tỉnh cũng tăng cường phối hợp các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu của Trung ương để nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất, tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm theo hướng từ "lượng" sang "chất", nhằm chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa; bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm, góp phần thực hiện tiêu chí 13 về thu nhập, vốn được xem là cốt lõi trong xây dựng NTM.
Ngoài những hậu thuẫn từ chính quyền, các giám đốc HTX, tổ hợp tác và các trang trại cũng xây dựng lộ trình phát triển cụ thể. Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Phúc (Hà Tĩnh) Lê Vạn Hải cho biết, hướng đến mục tiêu làm nông nghiệp sạch, HTX ra Thanh Hóa mua giun về nuôi thử nghiệm. Hiện chuồng nuôi giun đã hoàn thành, HTX sẽ lấy phân từ trại lợn về cho giun ăn để sản xuất phân hữu cơ. Quy trình khép kín giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư phân bón và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây, tạo sản phẩm sạch, chất lượng. Trại cây ăn quả cũng đang được thí điểm xây dựng mô hình chuyển đổi số, "đặt tên" cho cây để quản lý sản xuất bằng hệ thống dữ liệu, dán tem truy xuất nguồn gốc.
KHCN đã chứng minh là một mắt xích quan trọng trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị nông sản. Để những tiến bộ của KHCN không lãng phí, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với xây dựng NTM, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững…
Tiếp tục chuyển giao, ứng dụng nhanh thành tựu KHCN tiên tiến cho nông dân, nông thôn, cũng là quyết tâm cao của tỉnh Hà Tĩnh nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giống, quy trình sản xuất, công nghiệp bảo quản, chế biến tinh sâu, nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản của tỉnh trên thị trường.
Gửi phản hồi
In bài viết