Sự kiện có sự tham dự của nhiều diễn giả, nhà khoa học trong và ngoài nước; Đại sứ quán các nước Tây, Bắc Âu. Hội thảo tập trung vấn đề trọng tâm như: Phát triển Đô thị thông minh và thực tiễn tại Việt Nam; Chiến lược, định hướng và kết quả xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng; Hạ tầng đô thị thông minh, quản trị đô thị thông minh...
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, phát triển đô thị trong kỷ nguyên số là một vấn đề được Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Là lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đang tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị trí, uy tín quốc tế của Việt Nam. Hội thảo hôm nay là một trong những hoạt động trọng tâm của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong nỗ lực của chúng tôi làm tốt vai trò cầu nối, kết nối các đối tác Việt Nam với các đối tác quốc tế, mục tiêu chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”, Đại sứ Phương Nga nhấn mạnh và tin tưởng, hội thảo sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Theo Tiến sĩ Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Năm 2010, thành phố Đà Nẵng ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Năm 2018, thành phố đã ban hành Kiến trúc thành phố thông minh, bao gồm 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; chính thức triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Đà Nẵng ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của thành phố.
“Đà Nẵng đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai thành phố thông minh thành công, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính. Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp từ các quốc gia Tây, Bắc Âu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho thành phố cả về chuyên gia, công nghệ và nguồn lực tài chính để xây dựng thành công thành phố thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng kết nối, mở rộng thị trường, đưa các giải pháp công nghệ số của Đà Nẵng/Việt Nam ra thị trường quốc tế”, ông Minh nhấn mạnh.
Ngài Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam chia sẻ: “Vienna, thủ đô của Áo, với gần 2.000.000 dân, đã thông qua Chiến lược khung về thành phố thông minh vào năm 2014. Chiến lược khung này đã được cập nhật/sửa đổi vào năm 2019, đề ra sứ mệnh là xây dựng các mục tiêu cơ bản của Thành phố thông minh Vienna, xác định: chất lượng cuộc sống cao cho mọi người ở Vienna thông qua đổi mới xã hội và kỹ thuật trong mọi lĩnh vực; đồng thời, bảo tồn tối đa các nguồn tài nguyên.
Theo đó, đặt ra mục tiêu mức độ phát thải CO2 trên đầu người trong lĩnh vực giao thông vận tải giảm 50% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Việc chia sẻ phương tiện đi lại tại Vienna được thực hiện bởi hình thức vận tải thân thiện với môi trường, bao gồm: đi bộ, đi xe đạp, phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe ô-tô….
Ngài Bakhtiyar Sharipov, Giám đốc Công ty TNHH Nectaris cho rằng, giải pháp cung cấp nước sạch cho đô thị thông minh thực sự quan trọng. Công ty cung cấp giải pháp hiện đại cho Thành phố thông minh dưới dạng hệ thống cung cấp nước sạch phi tập trung NECTARIS. Đây là một hình thức cấp nước sạch đổi mới sáng tạo, một đặc tính mới của Thành phố thông minh trong tương lai, đặc tính này góp phần vô cùng quý báu cho việc hình thành sức khỏe, hạnh phúc gia đình và xã hội với xu hướng “FoodTech”, đề xuất lắp đặt các hệ thống tại chỗ để sản xuất, lọc và làm giàu nước uống, cũng như phân phối nước bằng đường ống trong các dự án khu dân cư và thương mại đang được xây dựng.
Ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Tư vấn giải pháp thông minh của Điện Quang, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra rất nhiều giải pháp để góp phần xây dựng đô thị thông minh, như: giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh; giải pháp chiếu sáng thông minh khu vực công cộng và giải pháp chiếu sáng kết hợp điều khiển thông minh, tiết kiệm năng lượng và hướng tới đô thị xanh. Với hệ thống các nhóm giải pháp thông minh, bao gồm: smart city, smart building, smart home ứng dụng cho rất nhiều phạm vi không gian khác nhau...
Những những kinh nghiệm, giải pháp đột phá trong xây dựng đô thị thông minh được chia sẻ tại hội thảo, sẽ giúp chính quyền thành phố Đà Nẵng chọn lọc và tìm ra các giải pháp tối ưu để ứng dụng, triển khai thực tiễn tại địa phương. Đặc biệt, có một cách nhìn tổng thể về xây dựng đô thị thông minh nhìn từ Đà Nẵng, bắt đầu từ kết cấu hạ tầng nhỏ nhất, lấy con người làm chủ thể trọng tâm để mang lại sự hài hòa và giải quyết hiệu quả các vấn đề xây dựng đô thị thông minh và phát triển bền vững mà Việt Nam đang gặp phải.
Gửi phản hồi
In bài viết