Chủ trì diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Lê Trí Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Tham dự diễn đàn lần này có hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, đại diện liên minh hợp tác xã và các hợp tác xã tiêu biểu của 18 tỉnh, thành phố tại khu vực miền trung-Tây Nguyên.
Tại diễn đàn, các đại diện đã nghe các cơ quan nhà nước, liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố, cơ sở đào tạo dạy nghề và các hợp tác xã tại khu vực miền trung-Tây Nguyên trình bày tham luận về những vấn đề liên quan quá trình đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Nhiều nội dung được các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, như: giải pháp quản lý và phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã đồng bộ, bền vững gắn với chuyển đổi số nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19; vai trò và giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác của liên minh hợp tác xã nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; chuyển đổi số trong khu vực hợp tác xã nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và thời đại công nghiệp 4.0; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn chuyển đổi số, phục vụ phát triển ngành nghề đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, được Đảng, Nhà nước thể chế hóa thông qua Luật Hợp tác xã năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như quy mô hợp tác xã nhỏ lẻ, tính liên kết chưa chặt chẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương chưa cao, đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn bất cập. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn lực theo chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn…
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết, việc tổ chức diễn đàn lần này nhằm trao đổi, tìm giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền trung-Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, góp phần cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thích ứng với quá trình chuyển đổi số, công nghệ và phương thức sản xuất, kinh doanh mới.
Trong đó, tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp, hỗ trợ giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, phát triển bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19.
* Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền trung-Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2022, dịp này, cũng tại thành phố Tam Kỳ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Ngày hội xúc tiến thương mại và hội thi hợp tác xã tiêu biểu khu vực miền trung-Tây Nguyên.
Ngày hội và hội thi thu hút 25 gian hàng của 87 hợp tác xã đến từ 18 tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên tham gia. Các hợp tác xã này với sản phẩm tiêu biểu được lựa chọn qua vòng sơ khảo cấp tỉnh, phần lớn đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết, thông qua ngày hội góp phần cổ vũ, động viên phong trào kinh tế tập thể; giúp các hợp tác xã trong khu vực có cơ hội giao lưu học hỏi, quảng bá giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Kết thúc ngày hội, hôm nay, 19/5, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã trao cúp và tiền thưởng 3 triệu đồng cho 5 đơn vị đoạt giải A. Đó là: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng), Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Thọ 2 (tỉnh Bình Định), Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (tỉnh Đắk Nông), Hợp tác xã Chế biến thủy hải sản Hải Bình (tỉnh Thanh Hóa) và Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (tỉnh Thừa Thiên Huế). Đồng thời, trao cúp và tiền thưởng 2 triệu đồng cho 10 hợp tác xã đoạt giải B; trao cúp và tiền thưởng 1,5 triệu đồng cho 15 hợp tác xã đoạt giải C và trao chứng nhận, tiền thưởng 1 triệu đồng cho 20 hợp tác xã đoạt giải khuyến khích.
Gửi phản hồi
In bài viết