Anh Lê Duy Vỹ, tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Việc siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phần nào đã thay đổi thói quen của nhiều người tham gia giao thông. Bản thân tôi và người thân trong gia đình đã chủ động sử dụng các phương tiện công cộng như taxi, xe ôm khi có việc cần phải giao lưu, có sử dụng rượu bia. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn an toàn cho chính người thân trong gia đình, những người tham gia giao thông khác”.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh dán tờ rơi tuyên truyền.
Từng chứng kiến người trong gia đình tự ngã xe và bị thương do điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, chị Hoàng Thị Lâm, thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) khẳng định, những khó khăn, tổn thương cả về vật chất và tinh thần do tai nạn giao thông gây ra là rất lớn. Chị mong muốn bên cạnh việc gặp gỡ, tuyên truyền tác hại của rượu bia tại các gia đình, các buổi họp thôn, xóm thì lực lượng chức năng cũng siết chặt hơn nữa xử lý vi phạm tại các tuyến đường huyện, đường nông thôn nhằm nâng cao ý thức của người dân nơi đây.
Chỉ tính trong tháng 7, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và công an các huyện, thành phố đã tuần tra, kiểm soát, xử lý, phát hiện 4.659 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạm giữ 861 bộ giấy tờ, tạm giữ 373 phương tiện giao thông, tước giấy phép lái xe 301 trường hợp. Trong đó, xử lý 202 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT tại các nhà hàng, quán ăn; tổ chức phát 500 tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền, dán logo, biển hiệu “đã uống rượu bia, không lái xe” tại các quán ăn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Chấp hành quy định “đã uống rượu bia, không lái xe” là nét đẹp văn hóa giao thông, cần phải được các tầng lớp nhân dân tự nguyện thực hiện nghiêm túc để góp phần giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Chị Đinh Kim Dung, Chủ nhà hàng Ẩm thực Việt (TP Tuyên Quang) nói: “Chúng tôi rất khuyến khích, đồng tình và ủng hộ lực lượng chức năng đến trực tiếp tuyên truyền tại quán ăn, nhà hàng để nâng cao ý thức chấp hành luật của khách hàng, cũng chính là những người tham gia giao thông. Qua đó tôi cũng mong muốn tai nạn giao thông được giảm thiểu, các hành vi vi phạm gây mất ATGT được hạn chế tối đa, an toàn tính mạng, của cải của mọi khách hàng đều được đảm bảo”.
Thực hiện “đã uống rượu bia, không lái xe” chính là hành động đầy nhân văn và thiết thực góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết