Theo đó sẽ có khoảng 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu ẩm thực, các sản vật đặc sắc, sản phẩm du lịch của tỉnh được trưng bày, giới thiệu. Trong đó: Có 14 gian hàng của các huyện, thành phố còn lại là gian hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các món đặc sản xứ Tuyên vừa được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021 - 2022) là món ăn Hoa kè nhồi thịt, Thịt lợn đen Lăng Can nướng riềng mẻ; các món được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021 - 2022) có thịt trâu gác bếp Tuyên Quang và Bánh dày nhân vừng đen Na Hang.
Thịt trâu gác bếp.
Tại các gian hàng sẽ trưng bày, giới thiệu những ẩm thực đặc sắc và có thương hiệu của các địa phương lần này còn có:
Bánh trứng kiến: Nguyên liệu chính làm bánh là trứng non của loài kiến đen, bột gạo nếp và lá cây vả. Để lấy được trứng kiến người dân phải vào rừng sâu, tìm những tổ kiến to màu đen thường được làm trên những cây cao và dùng lá cây vả để gói. Để làm bánh phải chọn loại lá bánh tẻ, bánh sẽ thơm và mềm hơn lá già. Trứng kiến sau khi rửa sạch được phi với hành khô. Người ta thường trộn thêm một ít thịt ba chỉ băm nhỏ, lạc, vừng rang, lá kiệu... để nhân bánh thêm ngon và ngậy hơn. Khó có thể nghĩ rằng, trứng kiến có thể chế biến thành món ăn được thế mà món ăn dân dã này lại khiến nhiều người rất tâm đắc
Bánh trứng kiến.
Bánh gai Chiêm Hóa: Là đặc sản của đồng bào dân tộc Tày, huyện Chiêm Hóa. Bánh gai Chiêm Hóa là sản phẩm kết tinh của văn hóa truyền thống kết hợp với công thức chế biến mang đậm nét cổ truyền của người dân nơi đây. Bánh được tạo ra từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương được lựa chọn kĩ càng như: gạo nếp cái hoa vàng, lá gai, thịt mỡ và nhân đỗ xanh, gói bằng lá chuối khô theo phương pháp cổ truyền tạo nên chất lượng thơm ngon và đặc trưng của vùng quê Chiêm Hóa. Bánh có nhiều thành phần nên khi thưởng thức ta cảm nhận được vị bùi của đậu xanh và dừa, chút ngậy của thịt mỡ, vị ngọt mát, dẻo quánh của gạo nếp, lá gai... Tất cả hương vị hòa trộn khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi.
Xôi ngũ sắc: Để làm được món xôi có nhiều màu sắc, bà con thường chọn gạo nếp cái hoa vàng hay gạo nếp nương mới gặt về.
Xôi ngũ sắc.
Gạo nếp được vo sạch, ngâm trong nước âm ấm từ 6 - 8 giờ để đạt độ nở vừa phải. Gạo ngâm xong đãi sạch, rồi được chia thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu. Màu đỏ và màu tím được tạo từ cây khẩu đăm (cơm đen), khẩu đeng (cơm đỏ). Hai loại cây này rửa sạch, giã nhỏ, đun sôi rồi lọc lấy nước để ngâm gạo. Sau 4 - 5 tiếng vớt gạo ra cho ráo nước. Muốn xôi màu vàng bà con dùng nghệ giã nát hoặc mài trên cành cây cọ cho nhỏ mịn rồi trộn với gạo nếp đã ngâm kỹ. Xôi màu xanh, được tạo từ lá gừng tươi giã nát lọc lấy nước cốt. Cuối cùng là màu trắng là màu của gạo nếp cái hoa vàng. Thưởng thức xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc, chúng ta không chỉ ấn tượng bởi màu sắc bắt mắt mà còn bởi xôi có hương vị đặc trưng của núi rừng vùng cao.
Cá chiên sông Lô: Từng được mệnh danh “ngũ quý hà thủy”, một trong 5 loại cá tiến vua hiếm có khó tìm cùng với các loại cá: dầm xanh, anh vũ, cá quất, cá bỗng. Cho đến nay, cá chiên vẫn được nhiều người ưa thích nhờ chất lượng thịt cá thơm ngon, săn chắc và giàu dinh dưỡng. Thịt cá chiên rất ngon, nhưng loài cá này nổi tiếng nhờ bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật. Cá sống ở những vùng nước sâu, nhiều ghềnh đá, nước chảy xiết. Cá này chỉ có 1 xương trụ, không có xương dăm, tỷ lệ thịt rất cao. Thịt cá màu vàng óng như sát nghệ, thơm ngon dẻo quánh. Canh cá chiên ăn kèm với bún, hành lá, rau thơm, thì là, nấm kim châm, rau cải ngọt, hoa chuối thái rối và chấm nước mắm ớt cay. Hiện nay cá chiên trở thành đặc sản trong các nhà hàng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh và là món ăn ưa chuộng của nhiều thực khách.
Cá chiên sông Lô.
Bưởi Xuân Vân: là một loại trái cây rất ngon thuộc xã Xuân Vân (Yên Sơn). Cùng với cam sành Hàm Yên, bưởi Xuân Vân được Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế xếp ở Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng. Bưởi Xuân Vân cho thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Nét nổi bật của loại bưởi này là loại quả to, vỏ mỏng, múi dày, vị ngọt mát, mọng nước, khi bóc hạt tép đều, khô đanh không dính tay. Bưởi Xuân Vân là loại quả có nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe người sử dụng.
Lê Hồng Thái (Na Hang): nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển, xã Hồng Thái (Na Hang) có khí hậu quanh năm mát mẻ và nức tiếng là mảnh đất có nhiều hoa thơm, quả ngọt. Với những thuận lợi đó là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển cây lê đặc sản. Lê Hồng Thái có vị ngọt thanh, thơm và rất giòn. Vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh vừa hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm lê Hồng Thái.
Chè Shan tuyết: Chè Shan tuyết được trồng ở độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển, khí hậu trong lành. Chè Shan tuyết có búp chè to, màu trắng xám, dưới lá chè có phủ 1 lớp lông tơ mịn, trắng. Chè có vị thơm sâu đặc trưng, đậm đà, đặc biệt là vị ngọt khác với chè trung du. Hiện nay, có một số cơ sở chế biến chè Shan tuyết ở xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú (Na hang). Sản phẩm đang được khách hàng nhiều nơi yêu thích, lựa chọn.
Gửi phản hồi
In bài viết