Trong bài phát biểu của mình, đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại hội trường.
Đại biểu nêu: Trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Trung ương đã có những định hướng, chủ trương lớn về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Quốc hội khóa XV đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng, quyết sách kịp thời nhằm thể chế và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước như: ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347 nghìn tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Đồng thời, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sau dịch bệnh. Đặc biệt, chiến dịch tiêm chủng vắc xin với quy mô và tốc độ bao phủ nhanh nhất từ trước đến nay, tạo điều kiện để nước ta kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh; các cơ chế, chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tích cực. Người dân cả nước có niềm tin với các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, trực tiếp là giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng cao, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng; chuỗi cung ứng và thị trường tài chính thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nguy cơ dịch bệnh tăng,... đã tác động, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước; hoạt động sản xuất - kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, chi phí đầu vào sản xuất, vận tải tăng, tạo áp lực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo và các nhóm giải pháp đồng bộ của Chính phủ đã đề ra trong những tháng cuối năm 2022. Đại biểu nêu kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung trong thời gian tới gồm:
Một là, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành. Theo đại biểu, đến nay vốn đầu tư để thực hiện một số dự án thuộc chương trình phân bổ và giải ngân còn chậm, có chương trình phân bổ còn thấp gây nhiều khó khăn trong thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ phục hồi kinh tế. Vì thế, Quốc hội, Chính phủ sớm phân bổ vốn đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để các địa phương triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ là tập trung giải ngân trong năm 2022 và 2023. Đề nghị Chính phủ phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và sớm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Cùng với đó, xem xét tăng nguồn vốn hỗ trợ việc làm cho Ngân hàng Chính sách xã hội để phân bổ cho các địa phương, giúp người dân có việc làm ổn định.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được giao; tập trung xây dựng Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 (2021-2025) đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo tiến độ, mục tiêu nghị quyết đề ra; đồng thời, sớm hoàn thiện đường Hồ Chí Minh, tạo động lực, kết nối phát triển kinh tế- xã hội các khu vực có đường cao tốc đi qua.
Ba là, có biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là kiềm chế, bình ổn giá xăng dầu để hạn chế nguy cơ lạm phát. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng các nguồn năng lượng trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu...
Bốn là, tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá với các nước láng giềng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết