Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu trước Quốc hội.
Đại biểu đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế của Quốc hội về tổng kết Nghị quyết số 42 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết. Đối với đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42 của Chính Phủ, đại biểu cho rằng phù hợp và cần thiết. Đại biểu nhấn mạnh trong gần 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 42 đã mang lại kết quả tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giai đoạn 2017-2021 được duy trì ở mức dưới 2% và tỷ lệ này liên tục giảm qua các năm triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Nghị quyết số 42 đã tạo nên những thay đổi tích cực trong tư duy vay - trả nợ của khách hàng, khách hàng tự giác và hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong trả nợ. Đồng thời, với việc quy định, gắn trách nhiệm của các cơ quan trong các khâu xử lý nợ xấu đã tạo nên sự thay đổi về cách nhìn, giúp các cơ quan liên quan có sự đánh giá đầy đủ, đúng bản chất hơn về công tác xử lý nợ xấu (đặc biệt là về các nguyên nhân khách quan dẫn đến nợ xấu phát sinh), từ đó tạo thêm sự đồng thuận và vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan liên quan.
Đại biểu khẳng định, Nghị quyết số 42 là giải pháp mang tính đột phá và thực chất, giúp khơi thông nguồn vốn, góp phần để các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác xử lý nợ xấu.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho biết, đến 31/12/2021 số nợ xấu cần được xử lý theo Nghị quyết 42 còn 412,7 nghìn tỷ đồng, trong khi việc xử lý nợ xấu là vấn đề rất phức tạp, phụ thuộc nhiều vào ý chí hợp tác của khách hàng cần kiên nhẫn và thời gian để thực hiện.
Hiện nay, hệ lụy từ dịch Covid-19 để lại vẫn còn rất nặng nề, dù thời gian qua Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực và quyết liệt trong triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid như miễn giảm lãi/phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... nhưng nhiều khách hàng chưa thể phục hồi kinh doanh ngay, thậm chí có khách hàng không thể phục hồi, do vậy trong thời gian tới nợ xấu có xu hướng tăng là điều khó tránh khỏi.
Đại biểu cho rằng, tại thời điểm này khi chưa luật hóa các quy định về xử lý nợ, nếu dừng áp dụng Nghị quyết số 42 sẽ tạo ra một khoảng trống pháp luật khiến cho công tác xử lý nợ xấu bị tắc nghẽn, tạo thách thức và áp lực lớn đối với công tác xử lý nợ xấu, có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô. Đại biểu đề nghị, Quốc hội cho phép kéo dài việc áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42 và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Đồng thời để công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, đại biểu để nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi, tác nghiệp giữa các cơ quan liên quan, khắc phục một trong các hạn chế trong triển khai Nghị quyết 42 thời gian vừa qua.
Cùng với đó, đề nghị Quốc hội sớm luật hoá các quy định pháp luật về xử lý nợ xấu. Bởi những kết quả Nghị quyết 42 mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu. Ngoài ra, hiện nay việc triển khai nghị quyết còn một số nội dung vướng mắc trong thực hiện cần được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, như: quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, quy định về thủ tục rút gọn, thứ tự ưu tiên thanh toán.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các nội dung của Nghị quyết 42 cũng như các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan để sớm luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định, thống nhất và hoàn thiện hơn trong công tác xử lý nợ.
Gửi phản hồi
In bài viết