Đại biểu Ma Thị Thúy khẳng định, năm 2022 là năm tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sâu sát, quyết liệt, quyết sách kịp thời, hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế phục hồi, đời sống người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2022 tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường phức tạp, gây áp lực lớn cho kinh tế vĩ mô của nước ta cũng như tạo ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu đồng tình với 12 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đại biểu tham gia một số ý kiến đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đại biểu nhấn mạnh, trong năm qua, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, chủ động linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, kịp thời chuyển đổi kế hoạch học tập hoàn thành năm học 2021-2022. Cử tri ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành. Nhiều chủ trương mới được triển khai hiệu quả góp phần tăng cường xây dựng văn hoá học đường, an toàn trường học cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, việc triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc bố trí, tuyển dụng đầy đủ giáo viên giảng dạy những môn học mới, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, bố trí kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị; bảo đảm có sách giáo khoa kịp thời, chất lượng tốt, giá hợp lý; cần có chính sách hỗ trợ những gia đình kinh tế còn khó khăn. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa, để giáo viên có thể tiếp cận sách giáo khoa mới sớm, tối thiểu trước 1 năm, để có điều kiện nghiên cứu, xây dựng các bài giảng.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương còn khó khăn. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể để sắp xếp các điểm trường trên phạm vi cả nước, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương. Các địa phương nên nghiên cứu xây dựng mô hình trường bán trú phù hợp, bổ sung, sửa đổi chính sách cho học sinh bán trú để phục vụ việc sắp xếp các điểm trường.
Chính phủ quan tâm đến chính sách ưu đãi phụ cấp cho nhà giáo được quy định tại Thông tư liên tịch số 01 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Từ năm 2006 đến nay đã 16 năm và qua nhiều lần tăng lương cơ sở nhưng chưa được xem xét sửa đổi, đối tượng khó khăn nhất ở đây là giáo viên mầm non. Theo đại biểu, nhóm này thời gian qua tỷ lệ xin nghỉ việc nhiều nhất 40%. Theo đó, đại biểu đề nghị nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% bằng với phụ cấp ưu đãi cho y tế cơ sở trước đây. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất đề án hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn, trong đó quy định rõ nguồn kinh phí riêng để thực hiện đề án, ưu tiên các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.
Về học phí, năm học 2022-2023, theo đại biểu, thực hiện Nghị định 81 tăng học phí ở tất cả các cấp học, tăng gấp 5 lần mà không có lộ trình. Đại biểu đề nghị cần có lộ trình tăng hợp lý, có tính đến điều kiện đất nước vừa trải qua hơn 2 năm dịch bệnh, người dân ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn; các gia đình có nhiều con đi học sẽ gặp thách thức.
Đồng chí Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy nêu bất cập: Điều 5 của Nghị định số 116 năm 2020 của Chính phủ quy định kinh phí hỗ trợ đóng học phí học tập đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và sinh viên sư phạm theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) đều do Ngân sách Nhà nước chi trả và được giao trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm. Tuy nhiên, lại chưa quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc chi trả đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu). Ngoài ra, chưa quy định cụ thể việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để thẩm định, giao dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán kinh phí đối với nội dung này. Đại biểu đề nghị bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn để địa phương thực hiện.
Gửi phản hồi
In bài viết