Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội

- Chiều 22-7, tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ 14 gồm các Đoàn ĐBQH: thành phố Hải Phòng, Hà Tĩnh, Tuyên Quang. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận.

Tham gia thảo luận, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát nhưng Việt Nam đã có nhiều biện pháp để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh một cách rất tích cực. Đời sống của nhân dân được cải thiện, các lĩnh vực quốc phòng an ninh được giữ vững.

Đề xuất thêm giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2021, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên và kiên quyết dập dịch, đồng thời không để đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng. Các ngành, địa phương cố gắng duy trì phát triển nông nghiệp hàng hóa; ưu tiên quan tâm đến đời sống người dân vùng dịch. Chính phủ cần có kịch bản cụ thể để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh thảo luận tại tổ.

Về Kế hoạch 5 năm 2021-2025, đại biểu đề cập đến việc thực hiện 3 khâu đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó cần ưu tiên chính sách đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển. Đối với nguồn nhân lực, đại biểu mong muốn cần có các giải pháp hợp tác với các nước phát triển để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, các đại biểu trong tổ cũng cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần phải chỉ ra những việc đã làm được cũng như những việc chưa triển khai được; có kế hoạch và giải pháp cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế, cần có thêm những giải pháp hữu hiệu hơn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục