Năm 2007, chị Đinh Trà My tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật khách sạn và Du lịch Hải Dương, với tình yêu quê hương và khao khát được cống hiến, khi đó, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Na Hang mới được thành lập, chị xung phong nhận nhiệm vụ. Những ngày đầu mới lên, My vẫn là một cô bé mới chập chững ra trường, vốn kiến thức, kỹ năng sống, phông văn hóa của địa phương còn hạn chế. Để hiểu hơn về đất và người nơi đây, chị tìm đọc tài liệu, rồi tranh thủ gặp gỡ cả những người già, có uy tín, có hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán để học hỏi thêm. 16 năm làm việc ở đây, hướng dẫn cho hàng nghìn đoàn khách, kiến thức, phông văn hóa cứ tích lũy dần theo thời gian đến nay, chị có thể kể vanh vách về các sự tích của vùng đất Na Hang như sự tích đền Pắc Tạ, sự tích vách đá nàng Tiên chú Khách, sự tích Cọc Vài phạ... để lại nhiều ấn tượng cho khách du lịch khi đến với Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình.
Chị Đinh Trà My, nhân viên Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang, thuyết minh, hướng dẫn cho khách du lịch tham quan hồ sinh thái Na Hang.
Anh Nguyễn Hồng Quang, quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) bày tỏ, anh đã đi và đến nhiều điểm du lịch trên cả nước, khi đến với Na Hang anh thật ngỡ ngàng trước cảnh đẹp và vẻ hoang sơ, thuần khiết của khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, những cánh rừng nguyên sinh hàng triệu năm chạy dài bất tận, những dòng thác đổ xuống bọt trắng xóa tựa như mái tóc của nàng tiên nơi đại ngàn. Điều cũng khiến anh ấn tượng là những người hướng dẫn viên ở nơi đây, họ luôn nhiệt tình, am hiểu các điểm đến để giới thiệu cho du khách, chuẩn bị chu đáo các điều kiện sau mỗi chuyến hành trình.
Việc xây dựng thương hiệu cho du lịch không thể nhìn nhận giống như việc làm quảng cáo, tuyên truyền "ra rả” về điểm đến, dịch vụ, tour, tuyến... Điều quan trọng chính là người dân địa phương phải tự hào về giá trị của điểm đến, có thể kể những câu chuyện của mình thật hấp dẫn, khiến cho khách du lịch cảm nhận sâu sắc và thú vị tại mỗi điểm dừng chân. Những câu chuyện được người dân tự kể sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bất kỳ một công cụ truyền thông nào. Mục tiêu cuối cùng phải là: hướng du khách chưa biết về điểm đến - biết điểm đến - tin tưởng - quyết định đi du lịch - trở về kể lại cho bạn bè nghe và khuyên họ nên đến đó.
Anh Khổng Hồng Đào ở thị trấn Na Hang (Na Hang) là gương mặt thân quen của nhiều đoàn khách du lịch khi về với Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Vốn là người dân bản địa, các điểm du lịch như thác Nặm Me, thác Khuổi Súng, thác Khuổi Nhi, Thúy Loa hay Làng Văn hóa du lịch Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình), Hồng Thái, Năng Khả (Na Hang)... anh đều nắm rõ. Bởi vậy, anh sẵn sàng giúp đỡ, tư vấn, giới thiệu cho du khách khi muốn tham quan, khám phá bản làng hoặc các điểm đến trên Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Anh Đào tâm sự, "Tôi luôn sẵn lòng đồng hành cùng khách du lịch đi khám phá Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Với tôi đó không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê, tình yêu với quê hương bản quán. Mỗi điểm đến tôi đều muốn giới thiệu đến du khách những điều đặc biệt, những câu chuyện của riêng người dân bản địa. Và tôi nhận thấy họ thật sự thích thú với những câu chuyện đó”.
Du lịch Na Hang ngày càng được du khách đánh giá là điểm đến thân thiện, hấp dẫn. Để mỗi người dân không đứng ngoài cuộc trong việc tăng khả năng thu hút du khách, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. Trong đó, sự hiểu biết, thân thiện luôn được quan tâm, xây dựng hình ảnh "Tuyên Quang điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn" là con đường mà du lịch mà ngành du lịch đang đi và cũng là mục tiêu hướng tới. Để đạt được điều này, cùng với vai trò của các hướng dẫn viên du lịch được đào tạo bài bản, thì mỗi người dân địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trước sự phát triển du lịch bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết