Đảm bảo an toàn hồ đập trong cao điểm mùa mưa

- Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, ứng phó hiệu quả trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là đang trong cao điểm mùa mưa bão, các đơn vị quản lý hồ, đập đã xây dựng nhiều phương án, giải pháp hiệu quả. Trong đó, chú trọng điều tiết nguồn nước ổn định, sửa chữa những hạng mục công trình xung yếu, cũng như kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn.

Tập trung sửa chữa công trình xuống cấp

Theo báo cáo đánh giá hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh trong số 317 công trình hồ chứa được kiểm tra, có 37 công trình mức C tức là mức có nguy cơ mất an toàn cao cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Kể từ khi công trình hồ chứa thủy lợi Tam Tinh, xã Minh Khương (Hàm Yên) được đưa vào sử dụng hồi tháng 3 đã giải tỏa nỗi lo lắng của chính quyền và người dân trong xã. Theo ông Triệu Văn Tiến, công chức địa chính, xây dựng xã Minh Khương, do tác động của thời tiết công trình hồ chứa thủy lợi Tam Tinh đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây thấm mạnh ở thân đập. Tràn bằng đất tiết diện nhỏ không đảm bảo thoát nước, không đảm bảo an toàn tích nước và điều tiết lũ khi mưa lớn xảy ra. Đảm bảo an toàn công trình, tháng 9-2023, UBND huyện Hàm Yên đã sử dụng nguồn vốn ngân sách huyện để sửa chữa, nâng cấp công trình. Toàn bộ hệ thống cống dẫn, tiêu thoát nước đã được xây dựng lại; tràn xả cũng đã được gia cố lại. Ông Tiến khẳng định, công trình được sửa chữa kịp thời nên qua các đợt mưa lớn vừa qua, nước thoát đều, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như an toàn cho người dân sinh sống dưới vùng hạ lưu hồ.

 Cán bộ Đội Quản lý, khai thác công trình thủy lợi hồ Hoàng Khai (Yên Sơn) kiểm tra van điều tiết nước.

Công trình hồ chứa Cao Ngỗi, xã Đông Lợi (Sơn Dương) cũng đang được Tổng Công ty cổ phần 36 - đơn vị thi công tập trung máy móc thiết bị để thi công, đảm bảo an toàn cho công trình. Ông Nguyễn Sơn Minh, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Công ty đang tập trung 28 máy móc, thiết bị để thi công các hạng mục: Đập bê tông trọng lực; hệ thống đường quản lý vận hành; nhà điều hành; hệ thống kênh dẫn nước; hệ thống đường ống dẫn nước thô để cấp nước sinh hoạt. Tính đến giữa tháng 7 đơn vị đã hoàn thành đào móng đập; thi công khoan phụt xử lý nền, đổ bê tông móng và bước vào xây dựng cầu, cống trên tuyến của hệ thống kênh…

Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Cao Ngỗi là dự án lớn, ngoài cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn cung cấp cả nước sinh hoạt cho các hộ dân các xã Đông Lợi, Hào Phú, Hồng Lạc, Trường Sinh. Tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Đảm bảo an toàn công trình 

Đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa trong cao điểm mùa mưa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo các Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi, thực hiện phương án tích nước phù hợp với các công trình an toàn; không thực hiện tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm đối với các công trình đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện tu sửa khắc phục tạm thời ngay các hạng mục hư hỏng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi để đảm bảo an toàn cho công trình; chủ động xây dựng các phương án ứng phó trong trường hợp có sự cố công trình xảy ra khi mưa, lũ.

Ông Lưu Văn Tài, Đội trưởng Đội Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi Hoàng Khai (Ban Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi tỉnh) cho biết: Công trình đã được lắp đặt thiết bị cảnh báo và đo mực nước tự động nên khi phát hiện dấu hiệu bất thường từ mực nước đội sẽ triển khai phương án ứng phó. Bên cạnh sử dụng thiết bị hiện đại để quan trắc, dự báo trong những ngày mưa lớn xảy ra Đội bố trí người ứng trực 24/24 thực hiện tuần tra, canh gác, kiểm tra, xem xét mức độ an toàn của các hạng mục công trình nhằm chủ động phòng tránh và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

 Tổng Công ty cổ phần 36 thi công phần đập của công trình thủy lợi hồ Cao Ngỗi (Sơn Dương).

Ông Lê Hải Hùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Ban thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, nhằm đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trong giai đoạn thi công. Được biết, Ban đang thực hiện đầu tư sửa chữa 2 công trình gồm: Hồ Cao Ngỗi, xã Đông Lợi, và hồ chứa Dộc Ổi, xã Trường Sinh (Sơn Dương).

Theo ông Hoàng Đức Trưởng, Phó trưởng Ban Quản lý, Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, thời tiết năm nay diễn biến bất thường, các đợt mưa lớn xảy ra nhiều hơn, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, các hồ chứa, ban đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung phương án bảo vệ đối với các công trình đập, hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn như: Hồ Hoàng Khai, hồ Ngòi Là (Yên Sơn), hồ Khởn (Hàm Yên), hồ Ninh Lai, Thiện Kế (Sơn Dương). Ban cũng yêu cầu các đội sẵn sàng ứng cứu kịp thời, tránh tình trạng bị động khi có sự cố công trình xảy ra.

Đồng chí Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Kết quả kiểm tra, đánh giá 317 công trình hồ chứa trong toàn tỉnh có 237 công trình đạt tiêu chuẩn mức A - mức an toàn; 43 công trình được đánh giá mức B- mức cơ bản an toàn; 37 công trình ở mức nguy hiểm. Dự báo thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường các đợt mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện, đe dọa đến an toàn công trình, đặc biệt với các công trình qua nhiều năm khai thác đã bị xuống cấp. Đảm bảo an toàn công trình, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các Ban quản lý theo dõi sát diễn thời tiết, mực nước trong các hồ chứa, kiểm tra thường xuyên các điểm xung yếu, gia cố kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại nếu có.           

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục