Theo Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 4, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy, gồm 1 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy xưởng cơ khí đều do chập điện, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản khoảng 300 triệu đồng. Cùng thời gian này, cơ quan chức năng cũng ghi nhận 7 sự cố cháy nhà dân, rất may các sự cố trên được phát hiện sớm, đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp đã hướng dẫn xử lý và điều lực lượng đến dập tắt không để cháy lan, thiệt hại không đáng kể.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh phối hợp với Công an phường Tân Quang
(TP Tuyên Quang) kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC đối với nhà để ở kết hợp kinh doanh
cho ông Trần Văn Hiếu, ở tổ 4, phường Tân Quang.
Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết, hiện nay chưa có thống kê đầy đủ số nhà để ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, sản xuất là rất lớn, phổ biến tập trung ở những tuyến đường lớn, các dãy phố nằm trong chợ, khu dân cư... Những nhà ở kết hợp làm cửa hàng này chủ yếu kinh doanh tạp hóa, quần áo, gas, điện gia dụng, kinh doanh nhà nghỉ...
Phần lớn công trình nhà ở kết hợp kinh doanh đều là nhà ống, có diện tích nhỏ, hẹp, các hộ chưa chú ý mở cửa thoát nạn, lối thoát nạn dự phòng. Nhiều hộ đã dựng những tấm biển quảng cáo lớn chắn toàn bộ mặt tiền ngôi nhà, làm thêm lồng sắt giúp tăng diện tích, để trồng cây cảnh, hoa lan, chống trộm cắp nhưng lại không mở cửa thoát hiểm. Thêm bất cập chung đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, vẫn hệ thống điện cũ nhưng nhà nào cũng thường xuyên mua sắm thêm những thiết bị điện công suất lớn (điều hòa, bình nóng lạnh, lò nướng, máy sưởi...) dễ gây quá tải cho hệ thống điện, gây sự cố chập điện, cháy nổ.
Đợt cao điểm này, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã chủ động tham mưu với Công an tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai những văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các giải pháp tiếp tục nâng cao quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó là tập trung vào tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ, cứu nạn cho lãnh đạo cấp xã, lực lượng Công an cấp xã; phối hợp tăng cường tuyên truyền tại khu dân cư; kiểm tra, hướng dẫn nhằm phát hiện những sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong công tác PCCC tại từng hộ dân, nhất là hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; Tổ chức cho các gia đình ký cam kết để tổ chức khắc phục các thiếu sót, vi phạm về PCCC và thoát nạn sau kiểm tra...
Dự báo mùa hè này nền nhiệt độ cao kéo dài, kèm theo nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh tăng cao đột biến có thể xảy ra các vụ chập điện gây ra các vụ cháy lớn. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, mỗi hộ, mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa những biện pháp an toàn PCCC. Chủ cơ sở, các hộ cần bố trí sắp xếp hàng hóa, đồ dùng dễ cháy xa nguồn điện, nguồn nhiệt, nhà nơi đun nấu, nơi thắp hương; không tích trữ đồ dễ cháy trong nhà; thường xuyên kiểm tra, thay thế, lắp đặt thiết bị điện đảm bảo an toàn PCCC. Đối với nhà chỉ có 1 lối thoát nạn cần nhanh chóng cải tạo, mở thêm cửa thoát hiểm dự phòng...
Gửi phản hồi
In bài viết