Những người tiên phong trong đồng bào dân tộc thiểu số

- Những năm qua, người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Người có uy tín đã làm tốt vai trò là “cầu nối” đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, từ đó vận động nhân dân thực hiện hiến đất, góp công, góp của xây dựng hạ tầng nông thôn, đặc biệt các công trình thiết yếu thúc đẩy đời sống vùng khó khăn. Các điển hình tiêu biểu là người dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế đã và đang là những “ngọn đuốc” sáng tạo động lực cho đồng bào cùng vươn lên, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu tại vùng khó.

Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân

Những năm qua, được sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; tỉnh ta luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS. Thông qua thực hiện các chính sách cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân; diện mạo nông thôn vùng DTTS nói chung, các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã dần được chuyển biến, kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, khối đại đoàn kết được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đồng chí Giàng Seo Mua, Bí thư Chi bộ Vàng On, Đảng bộ xã Trung Minh (Yên Sơn) tuyên truyền pháp luật đến người dân.

Tỉnh có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh có 1.116 người có uy tín, thuộc 21 dân tộc. Người có uy tín ở các khu dân cư là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp trong công tác vận động quần chúng.

Xác định được vị trí, vai trò của mình, những người có uy tín không ngại khó, trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn, bản để tuyên truyền, vận động. Song song với đó, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh ở khu dân cư. Trong đó, tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn các gia đình thực hiện nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả... Bên cạnh đó, người có uy tín đã tích cực vận động nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế ổn định và chung sức xây dựng nông thôn mới, thể hiện sự gương mẫu, tích cực trong vận động nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây cầu nông thôn và các công trình phúc lợi... Điển hình ông Triệu Dào Hin, dân tộc Dao, người có uy tín thôn Bản Tàm, xã Sơn Phú (Na Hang) đã vận động người Dao trong thôn thực hiện tốt Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về xây dựng 2 km đường giao thông nông thôn, 300m đường giao thôn nội đồng, đóng góp 70 triệu đồng và 150 ngày công xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao theo phương châm “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”. Đồng thời tham gia hòa giải thành công 27 vụ mâu thuẫn tại thôn, tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục. Chính từ sự tuyên truyền vận động của ông Hin cùng với cấp ủy cơ sở, cán bộ thôn, từ năm 2011 đến nay thôn đạt thôn văn hóa tiêu biểu.

Không dừng lại ở đó, những người có uy tín còn phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội vận động đồng bào không nghe lời kẻ xấu xúi giục; tham gia và vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn an ninh, trật tự ở khu dân cư”… Ở những nơi có đông đồng bào DTTS theo tôn giáo, người có uy tín là chức sắc, chức việc các tôn giáo cũng đã thường xuyên vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng. Bí thư Chi bộ Vàng On, Đảng bộ xã Trung Minh (Yên Sơn) Giàng Seo Mua mới 30 tuổi đã được người Mông ở Vàng On suy tôn là người có uy tín trong đồng bào Mông, Dao. Anh Mua đã phát huy vai trò gương mẫu của người có uy tín, đảng viên đi đầu trong tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Nhờ đó phát triển hiệu quả kinh tế gia đình. Anh tuyên truyền đến người dân trong thôn học và làm theo Bác. Anh Mua bảo: “Mình học theo lời dạy của Bác Hồ “Trăm nghìn lời nói không bằng một việc làm thiết thực”, việc gì muốn người Mông, người Dao làm theo, mình cứ làm trước. Khi làm rồi vận động người dân mới nghe. Như việc trồng rừng hay trồng lúa nước, không vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu... mình và gia đình đều thực hiện trước, từ đó người dân đã làm theo”.

Khéo léo giao tiếp ứng xử, các phong trào, hoạt động do anh Mua phát động như làm đường bê tông nội đồng, lắp đặt cấu kiện kênh mương đúc sẵn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... đều được bà con đồng thuận, tích cực hưởng ứng. Tuổi chưa cao nhưng mọi lời nói, ý kiến của anh khi tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong thôn đều được mọi người tôn trọng, nghe theo.

Những “ngọn đuốc” sáng ở bản

Cùng với những tấm gương người uy tín, nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, trở thành “ngọn đuốc” sáng ở thôn, bản.


Anh Đặng Văn Hội (bên trái), dân tộc Dao ở thôn Xuân Đức, xã Hùng Đức (Hàm Yên) mở xưởng ép ván tạo việc làm cho trên 10 nhân công là người Dao trong thôn.

Mới hơn 30 tuổi, anh Đặng Văn Hội, dân tộc Dao ở thôn Xuân Đức, xã Hùng Đức (Hàm Yên) đã có xưởng ép ván với trên 10 nhân công. Anh Hội cho biết, học hết cấp III anh ở nhà làm kinh tế, lúc đầu làm cây giống trồng rừng và trồng trên 3 ha rừng keo. Thấy địa phương dồi dào nguồn gỗ rừng trồng anh đã nghĩ đến phương án kinh doanh gỗ rừng trồng. Vậy là, sau gần 9 năm, có chút vốn liếng năm 2018 anh đã đầu tư 1,7 tỷ đồng mua máy móc, lắp điện sản xuất ván ép. Đến nay, cơ sở sản xuất ván ép của anh đã tiêu thụ ổn định khoảng 100 m3 gỗ/tháng, tạo việc làm cho 10 lao động là con em người Dao ở tại địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, trừ chi phí anh thu lãi trên 200 triệu đồng.

Anh Đặng Văn Tài, công nhân tại xưởng chia sẻ, anh Hội là tấm gương để thanh niên người Dao trong thôn, trong vùng học tập bởi ý chí vươn lên, cần cù chịu khó làm việc; đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp người dân chúng tôi có việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Ma Công Vấn, dân tộc Tày, thôn Kim Ngọc, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) điển hình trong phát triển kinh tế tổng hợp. Hiện gia đình ông có 200 gốc cam đã cho thu hoạch, 150 gốc bưởi, 15 con trâu và trên 10 ha ao thả cá. Bình quân mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động trong thôn. Ông Vấn chia sẻ, làm kinh tế không chỉ để bản thân, gia đình thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá mà còn vì mục tiêu xa hơn là tạo việc làm cho lao động trong thôn, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần xây dựng địa phương giàu mạnh.

Là người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, ông Hoàng Văn Chung, dân tộc Cao Lan, thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương) năm 2020 là một trong 63 nông dân cả nước đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Trang trại của ông Chung có quy mô tổng số 130 con lợn nái, đàn lợn thịt trên 1.500 con. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình ông xuất bán trên 200 con lợn thịt, trung bình mỗi con 130 kg, với giá bán dao động từ 80 đến 105 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, ông thu lãi trên 8 tỷ đồng. Không chỉ nuôi lợn, ông Chung còn đang đầu tư trồng thêm 6 ha rừng bạch đàn mô; tạo việc làm ổn định cho 7 lao động thường xuyên với thu nhập đạt trên 5,5 triệu đồng/người/tháng. Mới đây, ông vừa mua khu đất 2 ha tách biệt khu dân cư cách nhà khoảng 5 km dự định sang năm sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 trang trại mới cũng chăn nuôi lợn có quy mô khoảng 2.000 con, dự kiến sẽ tạo việc làm cho thêm từ 5-10 lao động.

Đồng chí Hầu Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Phú Lương khẳng định: Ông Hoàng Văn Chung không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tích cực, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho hàng chục hộ ở xã, ở huyện, tạo động lực giúp nhiều hộ chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, ông Chung đóng góp gần 40 triệu đồng ủng hộ kinh phí làm nhà văn hóa, đường bê tông, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Năm 2017, ông Chung vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông là điển hình người DTTS làm kinh tế giỏi, là nông dân đầu tiên của xã đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Phát huy tốt vai trò người uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu, họ đã và đang góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, nhất là các chính sách của Đảng, Nhà nước ở vùng đồng bào DTTS, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Trang Tâm


Người uy tín ở thôn Cao Phạ

Ông Triệu Văn Luồng,  năm nay 76 tuổi, dân tộc Dao, là người uy tín của thôn Cao Phạ, xã Minh Khương (Hàm Yên). Ông đã phát huy vai trò “tuổi cao nêu gương sáng” để bà con học tập noi theo. Không chỉ là tấm gương sáng, ông Luồng luôn ý thức việc khuyên bảo, vận động các con, cháu chung sống hòa thuận, không xa ngã mắc tệ nạn xã hội, tham gia đầy đủ công việc chung của thôn. 20 năm qua, gia đình ông luôn được bà con trong thôn xét đạt gia đình văn hóa xuất sắc.

Với uy tín của mình, ông đã vận động con cháu và bà con trong thôn chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thi đua lao động sản xuất, bảo vệ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống còn 18%. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Luồng đã tích cực tham gia cùng cán bộ thôn đến nhà vận động nhân dân hiến đất, xây dựng hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Năm 2020 vừa qua, thông qua tuyên truyền, vận động có 16 hộ dân ở thôn đã tự nguyện hiến 8.220 m2 đất, giải phóng mặt bằng để Nhà nước mở rộng tuyến đường qua thôn dài 3,6 km.

Vốn là người am hiểu văn hóa dân tộc Dao, ông đã đóng góp ý kiến cho chính quyền xã, thôn thành lập và duy trì CLB hát Páo dung từ năm 2013 đến nay. CLB hiện có 11 thành viên thường xuyên tham gia biểu diễn giao lưu tại các hội diễn văn nghệ do xã, huyện tổ chức. Những đóng góp của ông Luồng góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Kỳ Dao


Gương sáng bản Mông

Anh Vàng Seo Kênh, dân tộc Mông, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) đã có 12 năm được bầu là người có uy tín của thôn.

Anh Kênh chia sẻ, hơn 10 năm trước, thôn Khuổi Trang chỉ có 2 đảng viên vì vậy phải sinh hoạt ghép với thôn Khuổi Củng. Anh cùng với các tổ chức đoàn thể trong thôn đã bàn bạc, thảo luận và thống nhất nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là rà soát, vận động quần chúng ưu tú học cảm tình Đảng. Đến nay, qua quá trình bồi dưỡng, kết nạp, thôn đã thành lập được chi ủy, chi bộ với 11 đảng viên chính thức và 1 đảng viên dự bị.

Phát huy vai trò người uy tín, anh Kênh thường xuyên phối hợp cùng với tổ hòa giải, hòa giải các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình. Năm 2020, anh đã hòa giải thành công 7 vụ việc, góp phần vào xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thôn Khuổi Trang chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 92,31%, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Là người uy tín, anh thường xuyên đóng góp ý kiến tại các cuộc họp chi bộ, vận động bà con thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Bản thân anh cũng đi đầu trong việc phát triển kinh tế với mô hình nuôi trâu. Đàn trâu của gia đình anh hiện có 6 con, là một trong những mô hình kinh tế có hiệu quả của thôn được người dân học tập và làm theo. Ngoài việc vận động nhân dân làm kinh tế, anh còn thường xuyên tuyên truyền cho người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 2 năm trở lại đây, thôn Khuổi Trang đã không còn tình trạng có người sinh con thứ 3.

Anh Vàng Seo Kênh vinh dự được biểu dương tại Hội nghị biểu dương người có uy tín và người dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ nhất của tỉnh.

Bài, ảnh: Thu Trang


Giữ chữ“tín” với đồng bào

Ông Ma Văn Đoán, dân tộc Tày, Trưởng thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả (Na Hang) đã có gần 20 năm gắn bó với các cương vị Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, là đại biểu HĐND xã đã 4 khóa. Gánh vác nhiệm vụ nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó, được cấp ủy chính quyền địa phương tin trưởng, nhân dân yêu mến.

10 năm qua, ông Đoán đều được UBND tỉnh công nhận là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín, tiếng nói có trọng lượng của mình, ông đã vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn cao song những năm qua, ông Đoán đã vận động xã hội hóa thực hiện hiệu quả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông đã vận động nhân dân hiến 0,6 ha đất làm đường bê tông liên thôn, được hơn 2,6 km; huy động nhân dân đóng góp hàng chục triệu đồng, hàng trăm ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Riêng từ năm 2020, nhân dân của thôn đã đóng góp 10 triệu đồng làm sân chơi ngoài trời cho trẻ; phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới xây dựng đập tưới tiêu tổng kinh phí 89,85 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 50 ngày công; đóng góp 300 ngày công vận chuyển cấu kiện để làm 1.230 m kênh mương nội đồng. Nâng cao chất lượng tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ông Đoán đã vận động được các hộ xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đạt được tỷ lệ 92,89%. Ông và tổ hòa giải thôn hòa giải thành công 27 vụ việc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thôn có 55 hộ nghèo, 57 hộ cận nghèo, chiếm 66,27%. Luôn trăn trở với cái nghèo của thôn, ông đã cùng chi bộ vận động đảng viên, nhân dân phát triển kinh tế. Cả thôn tận dụng đất sản xuất, không cho đất nghỉ, tập trung phát triển đàn trâu, bò, lợn; vận động trên 80 công dân đi lao động xuất khẩu tại các khu công nghiệp, chế xuất trong nước. Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm từ 55 xuống còn 36 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm. Chi bộ hiện không có hộ đảng viên nghèo, đảng viên là hộ cận nghèo chỉ còn 8 hộ.

Ông Đoán chia sẻ “Để giữ vững uy tín với nhân dân, người đảng viên phải luôn luôn gương mẫu với lời nói, việc làm; tâm huyết, trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”.

Bài, ảnh: Bích Hằng


Trưởng thôn miệng nói, tay làm

Hơn 20 năm người dân Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) tín nhiệm bầu ông Triệu Văn Ngô, sinh năm 1956 làm Trưởng thôn. Điều đó chứng tỏ uy tín của vị trưởng thôn này.

Đã có lúc ông xin nghỉ để nhường cho lớp trẻ có năng lực, học hành bài bản hơn, nhưng dân nhất quyết không nghe. Cuối cùng nêu gương vai trò đảng viên, ông tiếp tục làm Trưởng thôn để tiếp tục công việc xây dựng nông thôn mới ở quê hương.

Thôn Khuổi Hóp có 43 hộ, 189 nhân nhẩu người Pà Thẻn. Đây là dân tộc thiểu số có dân số ít ở Tuyên Quang. Hiện tại trên địa bàn thôn có một bia di tích nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng bí mật 1939-1945. Và ông nội của ông Triệu Văn Ngô là Triệu Văn Vụ đã tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng tại nhà riêng. Thời kỳ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần 2 của Đảng tại xã Kim Bình năm 1951, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương có đi qua tuyến đường thôn Pắc Hóp, Khuổi Hóp, xã Linh Phú để sang xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn. Ghi nhớ những kỷ niệm thiêng liêng đó, người dân thôn Khuổi Hóp hôm nay luôn đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Qua rà soát, đến nay Khuổi Hóp chỉ còn 3 hộ nghèo. Ông Ngô đã vận động nhân dân phát triển kinh tế rừng, mỗi nhà từ 1-5ha và nuôi kèm thêm vài con gia súc, hàng chục hàng trăm con gia cầm. Chương trình làm nhà văn hóa, đường bê tông, kênh mương nội đồng, đưa điện lưới quốc gia được đưa ra bàn bạc, thống nhất để làm và đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao, thu được kết quả rõ rệt. Người Pà Thẻn trong thôn bảo tồn tốt tiếng nói, nhà sàn, trang phục, phong tục, tập quán. Mỗi người trong thôn đều có một bộ trang phục dân tộc Pà Thẻn để mặc vào dịp lễ Tết, ngày trọng đại.

Bản thân ông Ngô được tỉnh, huyện, xã khen thưởng nhiều lần về vai trò người uy tín trong cộng đồng, đảng viên, trưởng thôn gương mẫu. Ngoài làm công tác xã hội, ông cùng gia đình trồng 9 ha rừng keo, mỡ sản xuất, nuôi bò, dê, trâu, lợn, gà và cá. Ông bảo, giữ được vai trò uy tín của người uy tín trong cộng đồng khó lắm nên mình phải “miệng nói, tay làm”. Có chữ “tín” làm gì cũng dễ thuyết phục được bà con nghe theo.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục