Đảm bảo bền vững chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

- Với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn, tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở các khu vực, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh ta.

Thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các huyện, xã triển khai xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học, trạm y tế, các tiêu chí xây dựng xã đạt “vệ sinh toàn xã”; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh gia đình và các điểm rửa tay bằng xà phòng tại thôn, bản; hỗ trợ hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; hướng dẫn tuyến huyện, xã lập hồ sơ minh chứng, kiểm đếm; hướng dẫn cán bộ xã và trạm y tế làm biên bản họp triển khai chương trình; lập kế hoạch hoạt động và hoàn thành bảng, biểu chuẩn bị công tác kiểm đếm; hướng dẫn các thôn, bản làm biên bản họp thôn.

Học sinh được sử dụng nước sạch tại điểm Trường Mầm non Đèo Hoa, xã Chân Sơn (Yên Sơn).

Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: lợi ích lớn nhất của chương trình là đã giúp nhân dân trong việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư; thực hiện nếp sống văn minh, xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

Sau gần 6 năm triển khai chương trình (2016 – 2021), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp hoàn thành kiểm đếm, bàn giao các công trình cấp nước và trạm y tế cho 40 xã thuộc các huyện: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Yên Sơn. Đồng thời hoàn thành việc kiểm đếm hồ sơ với trên 30 xã đạt chuẩn “vệ sinh toàn xã”. Trung tâm cũng chủ động lấy 300 mẫu xét nghiệm tại các trường học, trạm y tế các xã. Qua kiểm tra cho thấy, các công trình được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công trình cấp nước, nhà vệ sinh tại các trường học, trạm y tế xã hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, qua kiểm tra, giám sát cũng chỉ ra các hạn chế về quy cách xây dựng, việc hỗ trợ nhân dân, nhất là các hộ nghèo chưa sâu sát…

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đang trở thành phong trào tại xã Hào Phú, Sơn Dương.

Xã Hào Phú, Sơn Dương hiện có trên 1.600 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên việc cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn có nhiều hạn chế. Ông Trần Việt Bắc, Chủ tịch UBND xã cho biết, UBND xã đã chỉ đạo Trạm Y tế xã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong đó, chỉ rõ cho người dân biết, việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh như tiêu chảy, bệnh đường ruột… ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng. Sau khi có chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, UBND xã đã cùng Trạm Y tế xã triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức cá nhân giúp nhân dân làm nhà vệ sinh; đơn vị chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đến nay, số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt tỷ lệ trên 85% đây thực sự là con số đáng ghi nhận.

Là xã có phong trào "vệ sinh toàn xã" đứng top đầu của huyện Hàm Yên, năm 2020 xã Minh Hương đã đạt tiêu chí "vệ sinh toàn xã". Ông Triệu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết: việc đưa Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vào xã là bước đột phá, nhất là tại xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Nổi bật ở xã Minh Hương có thôn 6 Minh Tiến đạt chuẩn, đây là thôn có đồng bào Mông chiếm trên 60%. Hiện nay, nguồn nước của trường học, trạm y tế xã đều đạt chuẩn, thói quen sinh hoạt của nhân dân được cải thiện hơn trước rất nhiều.

Về phương hướng trong thời gian tới, ông Hoàng Mạnh Hùng cho biết thêm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện tiếp tục chỉ đạo trạm y tế xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xã đạt “vệ sinh toàn xã”; quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình vệ sinh và các trạm y tế; hướng dẫn sử dụng và quản lý nhà vệ sinh đúng cách; đôn đốc UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình tại các thôn có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, kịp thời tu sửa những công trình nào bị hỏng, không sử dụng được do quá trình sử dụng để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục