Theo đó, Sở Công Thương chủ động phân công cán bộ, công chức của Sở và đề nghị UBND các huyện, thành phố phân công công chức thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp, cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ người dân khi xảy ra dịch bệnh và diễn biến tình hình của dịch bệnh trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Công thương phối hợp với Ban Quản lý chợ Tam Cờ kiểm tra tình hình kinh doanh hàng hóa
trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng. Ảnh: Hải Hương.
Ông Hoàng Ngọc Long, quản lý Siêu thị Tuyên Quang cho biết, hoạt động kinh doanh bán lẻ hàng thiết yếu thời điểm này rất khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, giá xăng tăng, làm giá cả một số mặt hàng siêu thị nhập về cũng tăng. Tuy nhiên, để bình ổn giá cả thị trường, các mặt hàng tại siêu thị hầu như không tăng giá. Để chuỗi cung ứng hàng hóa được lưu thông, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, siêu thị nhập dự trữ nhiều hàng hơn so mới mọi năm từ 10 - 20%. Hiện, siêu thị vẫn tiếp tục lên kế hoạch nhập hàng dự trữ, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Để thị trường hàng hóa đảm bảo thông suốt, an toàn, ổn định, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường thực hiện các biện pháp chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các hành vi kinh doanh trái pháp luật, trọng tâm là hoạt động kinh doanh xăng dầu và đảm bảo an toàn thực phẩm được tăng cường kiểm tra, kiểm soát; thực hiện tốt việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết. Ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất hàng xuất khẩu mà tỉnh có lợi thế như may xuất khẩu, chế biến gỗ, chế biến thủy sản; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Sở Công Thương kiểm tra nguồn hàng dự trữ tại Siêu thị Vinmart Tuyên Quang.
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, qua đánh giá đối với nhóm hàng lương thực, nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân 1 người/tháng là 18 kg, tương đương toàn tỉnh cần gần 14.500 tấn/tháng. Sản lượng gạo có thể đáp ứng trên địa bàn tỉnh dự kiến là gần 22.000 tấn. Nguồn hàng dự trữ và cung ứng là từ trong dân và từ Công ty cổ phần Lương thực Tuyên Quang, Công ty TNHH Sao Việt, Công ty TNHH Tùng Lan, Hợp tác xã Kim Phú, Hợp tác xã nông sản an toàn Tâm Hương, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp WINCOMMERCE (Vinmart), hệ thống Vinmart+…
Đối với nhóm thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, trứng, rau xanh có các nguồn hàng cung ứng từ trong dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng nhu cầu của người dân. Để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành chức năng tiến hành kiểm tra nguồn hàng dự trự tại các doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ một số doanh nghiệp chủ lực của tỉnh thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.
Gửi phản hồi
In bài viết