Đảm bảo đúng lộ trình với quyết tâm cao

- Đến thời điểm này, ngành Y tế Tuyên Quang đã đi được nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dù phải trải qua nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, nhiều chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vẫn đảm bảo đúng lộ trình.

Kết quả sau nửa chặng đường

Đầu nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự thay đổi về cơ chế tài chính... đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Y tế khi vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa duy trì, thực hiện hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Song, với sự nỗ lực của toàn ngành, sự quan tâm, phối hợp của các cấp, ngành, địa phương, kết quả thực hiện sau nửa nhiệm kỳ của ngành Y tế cơ bản các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành Y tế đề ra trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. 

Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong bối cảnh hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi cơ chế tài chính, khó khăn về dịch bệnh, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao..., Bệnh viện đã nỗ lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra như: nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; phát triển kỹ thuật mới. Đồng thời quan tâm đến hoạt động cải tiến chất lượng bệnh; cải cách thủ tục hành chính ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế trong thực hiện nhiệm vụ; phát triển nguồn nhân lực. Hằng năm Bệnh viện phát triển được 3 - 5 kỹ thuật mới tương đương với bệnh viện tuyến Trung ương; khảo sát hài lòng của bệnh nhân đối với bệnh viện, nhân viên y tế cải thiện đáng kể. Cùng với đó, Bệnh viện đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan trong chương trình hành động ngành đề ra.

Khối y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh, góp phần đa dạng các loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 225 cơ sở y tế ngoài công lập (1 Bệnh viện Đa khoa, 15 Phòng khám Đa khoa và trên 200 Phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền). Nhờ đó, người dân được tiếp cận, lựa chọn và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại địa phương; giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm chi phí của người bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Minh chứng rõ nét cho thành quả nêu trên là sau nửa nhiệm kỳ nỗ lực, cả 4 chỉ tiêu của ngành Y tế đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Bác sĩ Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Tuổi thọ trung bình của người dân tăng, trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ các loại vắc xin phòng bệnh, từ đó khống chế, loại trừ một số dịch bệnh nguy hiểm như: ho gà, bại liệt, uốn ván sơ sinh; khống chế và đẩy lùi bệnh sốt rét. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội, đến nay cả 3 mục tiêu của ngành đều đã đạt, trong đó mục tiêu giường bệnh đạt 39,9 giường/10.000 dân, cao hơn bình quân chung cả nước là 31 giường/10.000 dân (mục tiêu đến năm 2025 là 37 giường bệnh/10.000 dân); số xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã đạt 96,4% (mục tiêu đến năm 2025 là đạt 100%); tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21,8% (mục tiêu đến 2025 giảm xuống còn dưới 20%).

Quyết tâm cao, hành động quyết liệt

Hiện nay, ngành Y tế Tuyên Quang đang phải đối mặt với không ít khó khăn, như hệ thống y tế phát triển chưa cân đối giữa các khu vực, còn tập trung nhiều ở khu vực thành phố; một số bệnh viện gặp khó khăn về kinh phí hoạt động khi thực hiện tự chủ tài chính.

Trung tâm Y tế huyện Na Hang đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại vào công tác khám chữa bệnh.

Đáng nói, nguồn nhân lực, đặc biệt là bác sĩ, cán bộ kỹ thuật cao tại một số cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu, nhất là y tế tuyến huyện, tuyến xã còn thiếu nhân lực trình độ cao (bác sĩ, cử nhân điều dưỡng, hộ sinh đại học, cử nhân xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh...).

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện công tác khám, chữa bệnh một số ứng dụng khoa học, công nghệ còn chậm so với yêu cầu như chưa triển khai được phần mềm quản lý sức khỏe (hồ sơ sức khỏe điện tử và sổ khám sức khỏe điện tử); hồ sơ bệnh án điện tử; phần mềm khám chữa bệnh từ xa... Các đơn vị y tế còn thiếu nhiều trang thiết bị y tế cơ bản phục vụ chẩn đoán, điều trị lâm sàng và cận lâm sàng, nhất là ở tuyến huyện, các Phòng khám Đa khoa khu vực và Trạm Y tế.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao, ngành Y tế tỉnh xác định phải hành động quyết liệt để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, thông qua các giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cụ thể hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; huy động thêm nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế, khuyến khích mạnh mẽ việc xã hội hóa y tế, phối hợp y tế công - tư trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục củng cố và phát triển y tế cơ sở, gắn với nâng cao chất lượng dân số và chất lượng khám chữa bệnh; phát triển mạnh các kỹ thuật chuyên sâu. Đặc biệt là thực hiện tốt công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế; đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế đảm bảo công khai, minh bạch; phát huy cao độ tính tự chủ tài chính trong hệ thống khám chữa bệnh...

Những khó khăn, thách thức vẫn đang chờ ở phía trước. Song, với sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, ngành Y tế sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo những bước tiến mới trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục