Dám nghĩ dám làm

- Tại phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi được kiện toàn nhân sự, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ yêu cầu “bắt tay ngay vào công việc, làm việc nào dứt việc đó” với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Và chỉ một ngày sau, Nghị quyết phiên họp đã được Thủ tướng ký ban hành.

Lâu nay, cụm từ “bảo vệ người dám nghĩ dám làm” được nhắc đến đâu đó nhưng lần này đã được đưa vào Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn, thậm chí được nhắc tới 3 lần trong Nghị quyết. Chứng tỏ “dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm” có ý nghĩa vô cùng lớn đối với những cán bộ chủ động, sáng tạo trong công việc, mạnh dạn đổi mới; vì sẽ có cơ chế để bảo vệ họ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo sau Đại hội XIII đã nhận định thời gian qua, “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”. Một trong những nguyên nhân của điều này và những hạn chế, yếu kém khác, là do một bộ phận cán bộ chưa dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, còn tình trạng né tránh trách nhiệm, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, công việc của mình lên cấp trên hoặc trả lời vòng vo, làm tốn thời gian, công sức, đôi khi mất đi cơ hội của người dân, doanh nghiệp.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chính vì vậy, để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các chương trình kinh tế - xã hội lớn của tỉnh đã và đang bàn gần đây; rất cần có những cán bộ nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Cán bộ đột phá sẽ tạo thể chế đột phá; từ đó giúp huy động tối đa, sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực trong xã hội, để tất cả đồng thuận, cùng hành động, đổi mới sáng tạo mỗi ngày.      
 

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục