Người dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu hái chè bằng máy.
Vừa cắt bán xong lứa chè xuân đầu tiên, ông Phạm Văn Luận, thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) rất phấn khởi khi đợt thu hoạch này, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 20 tấn, tương đương 3,5 tạ chè khô được thương lái thu mua ngay tại nhà với giá 200.000 đồng/kg chè khô (tăng 10.000 đồng/kg so với vụ chè mùa năm ngoái). Với mức giá này, trừ chi phí ông còn lãi hơn 40 triệu đồng/3 ha/lứa thu hoạch.
Ông Luận cho biết, từ cuối tháng 11 âm lịch của năm trước, ông bắt đầu đốn cành và tạo tán để tập trung chăm sóc cây, giúp chè hấp thụ tốt nhất chất dinh dưỡng để phát triển. Vụ chè xuân là khởi đầu cho vòng thu hoạch của một năm, rất quan trọng. Tuy sản lượng vụ chè xuân không bằng vụ chính, song hương vị chè xuân được cho là ngon nhất trong năm bởi nó kết tinh “khí trời vị đất vào xuân”.
Đang nhanh tay thu hái những lộc non của vụ chè xuân, ông Phạm Văn Thách, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) tấm tắc nói: đầu năm thời tiết thuận lợi, có đợt mưa phùn nên hơn 5 sào chè của gia đình ra búp đều, dày hơn. Hơn 1 tuần nay, ngày nào gia đình tôi cũng phân công nhau để thu hái. Vụ chè xuân ở đây luôn có hương vị thơm và ngon, rất được thương lái, khách hàng yêu thích, do đó, giá bán cũng cao hơn so với những vụ khác trong năm. Dự kiến đến cuối vụ xuân gia đình thu hoạch được khoảng 1 tạ búp tươi, thu về hơn 4 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) gắn bó với cây chè đã hơn 20 năm nay. Ông Minh cho biết, thời điểm này khi các loại cây trồng khác đang trong thời kỳ chăm sóc thì người trồng chè đã “hái ra tiền”. Tổ hợp tác có 6 ha chè đã cho thu hoạch. Thời tiết thuận lợi cùng với sự đầu tư thâm canh đã giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, vì thế, chè búp cũng đều và đạt chất lượng hơn những năm trước, hứa hẹn một năm thu hoạch thắng lợi.
Ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) kiểm tra chất lượng búp chè.
Cũng theo ông Minh, để tăng giá trị kinh tế, Tổ đã chế biến chè búp thành trà thành phẩm tại nhà. Để có vị chè ngon nhất, từ khâu thu hoạch cho tới chế biến chè xuân đều phải đảm bảo quy trình đặc biệt khắt khe. Chè vụ xuân phải được hái vào sáng sớm, sau khi hái phải đưa vào sao trực tiếp chứ không phơi héo như những loại chè khác. Khi sao chè, người thợ phải có “cảm nhiệt” tốt để chè sao xong có được hương vị tốt nhất. Đây cũng chính là bí quyết của nghề, giúp tạo ra hương vị và thương hiệu riêng của mỗi vùng đất chè. Từ đầu vụ xuân đến nay, Tổ đã thu hoạch được hơn 2,5 tạ búp, chế biến được gần 50 kg chè khô. Hiện tại, trà đang được gia đình bán với giá 250 nghìn đồng/kg chè khô.
Hiện nay, các công ty sản xuất chè lớn nhất tỉnh như: Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Chè Sông Lô đã bắt đầu thu mua chè vụ xuân. Anh Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, trên 850 ha chè của công ty liên kết với người dân vụ xuân này đang sinh trưởng phát triển tốt. Người dân trồng chè cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đốn, bón phân, chăm sóc, thu hái chè đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Ngay từ đầu vụ chè xuân, toàn bộ tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty ra quân với một khí thế mới, khí thế bắt tay ngay vào công việc.
Toàn tỉnh có trên 8.300 ha chè, tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Na Hang và Lâm Bình. Năng suất trung bình của chè trên toàn tỉnh đạt trên 85,3 tạ/ha, và sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 69.000 tấn. Tỉnh có 30 sản phẩm chè được xếp hạng OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời điểm này, trên khắp các đồi chè trên địa bàn tỉnh, người nông dân đang phấn khởi thu hái chè vụ xuân.
Vụ chè xuân kéo dài đến trung tuần tháng 4, hiện nay, người dân thu hái chè đến đâu đều được doanh nghiệp, hợp tác xã đến tận nơi thu mua. Đồng thời, hỗ trợ người dân cách thức chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng trong những lứa tiếp theo. Cây chè tiếp tục khẳng định là một trong những cây chủ lực, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết