Người tiên phong
Sinh ra và lớn lên ở xã Hùng Lợi, một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, nên ngay từ nhỏ màu xanh của núi rừng đã nuôi lớn tâm hồn và ước mơ của người con gái dân tộc Tày Vũ Thị Mây. Học hết THPT, chị Mây đăng ký học chuyên ngành Lâm Sinh, của Trường Công nhân kỹ thuật Lâm nghiệp I Trung ương.
Tốt nghiệp ra trường, chị về làm nhân viên của Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đặt địa điểm tại trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Tuyên Quang. Sau đó, chị làm kỹ thuật viên của Trung tâm thực nghiệm, thực hành chuyển giao khoa học công nghệ của trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang (nay là trường Đại học Tân Trào). Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục học vừa làm vừa học thêm ngành Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Chị Vũ Thị Mây.
Quá trình vừa học tập và vừa làm việc, chị có cơ duyên được các thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cấy mô cây trồng. Và niềm đam mê về nuôi cấy mô cây trồng của chị được “thổi bùng” lên từ đấy. Chị chăm chỉ thực hành, tìm tòi, học hỏi và thành công khi tạo ra cây giống chất lượng cao đầu tiên từ phương pháp nuôi cấy mô ngay trong thời gian học tập.
Chị Mây chia sẻ, niềm đam mê ươm cây giống lúc nào cũng thôi thúc chị làm một việc gì táo bạo hơn nữa. Bởi vậy, cuối năm 2022, chị mạnh dạn xin thôi việc để trở về khởi nghiệp với “Dự án” của riêng mình. Đó là mô hình “Sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao”. Đây là mô hình phát triển kinh tế về sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao đầu tiên do cá nhân làm chủ tại tỉnh ta.
Khi mới bắt tay vào làm, chị gặp không ít khó khăn.
Vừa thiếu vốn, vừa hoang mang vì bỏ việc nhà nước sau nhiều năm phấn đấu nhưng nhờ có sự động viên, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện của gia đình nhà chồng, chị đã bàn với chồng để quyết tâm khởi nghiệp mô hình này. Sẵn có ngôi nhà cũ 2 tầng, với diện tích sàn hơn 100 m2/tầng, được bố mẹ chồng hỗ trợ chút vốn, vợ chồng chị mạnh dạn vay mượn vốn từ ngân hàng, người thân được hơn 1 tỷ đồng đầu tư vào làm giàn giá, mua sắm các trang thiết bị như: Nồi hơi, 4 tủ cấy vô trùng, tủ sấy, máy hút ẩm, hệ thống điều hòa, hệ thống bóng đèn led dùng trong nuôi cấy mô...
Với vốn kiến thức, kinh nghiệm hơn chục năm học tập và thực hành, thực nghiệm, chị về Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam mua 30 bình keo giống gốc chuẩn, với 33 triệu đồng và bắt tay vào nhân giống.
Một góc phòng ươm nuôi cây giống.
“Mùa vàng” nhờ khoa học
“Bao đời nay, người nông dân đã quen nhân giống các loại cây trồng, nông sản, hoa cảnh... theo cách truyền thống là gieo hạt, giâm cành, chiết, ghép. Hạn chế của phương pháp này là khó nhân giống với số lượng lớn, cây dễ bị nhiễm bệnh, năng suất, chất lượng nông sản dần giảm sút.
Phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật ra đời đã đưa ngành nông lâm nghiệp bước sang trang mới, tạo cuộc cách mạng trong việc chọn tạo, nhân nuôi giống. Chị đã có thể tạo ra được những cây keo giống khỏe mạnh, sạch bệnh, khả năng sinh trưởng tốt hơn, độ đồng đều cao hơn, giúp đem lại năng suất, chất lượng tốt nhất cho người trồng rừng”, chị Mây phấn khởi khoe.
Giàn giá ươm nuôi cây giống trong nhà kín với cây giống xanh xanh nhỏ xíu đặt nuôi trong những bình thủy tinh trong suốt trông đáng yêu vô cùng. Bên cạnh giàn giá ươm nuôi cây là một phòng nhỏ để nuôi cấy. Tại đây, có 4 chị em đang cặm cụi làm việc trong không gian sạch sẽ, vô trùng.
Chị Mây chia sẻ, từ bình keo giống gốc chuẩn mua về, các chị thận trọng xử lý từng chồi nhỏ để nhân ra từng bình khác nhau. Mỗi bình giống gốc có thể nhân ra được 2 - 3 bình giống mới. Cứ khoảng 20 - 25 ngày thì các bình giống mới này lại được lặp lại quy trình nhân giống, đủ các giai đoạn: nhân chồi, tiền ra rễ, ra rễ và luyện làm quen với môi trường là có thể xuất bán.
Mỗi giai đoạn nuôi cấy phải tuân thủ môi trường nuôi cấy khác nhau. Đặc biệt, phòng nuôi cấy phải luôn bảm bảo độ vô trùng tuyệt đối. Những ngày mưa nồm, gió ẩm, cây rất dễ nhiễm nấm khuẩn, do vậy quá trình nuôi cấy phải rất thận trọng và khéo léo.
Chị Mây và đồng nghiệp làm việc tại phòng nuôi cấy.
Chị Lê Thị Nhài, một nhân viên ở phòng nuôi cấy cho biết, chị gắn bó với công việc này ngay từ những ngày đầu. Đây là mô hình mới, nó đặc biệt hơn các mô hình khác. Nó vừa khó lại vừa dễ, bởi vừa đòi hỏi phải có sự yêu thích, vừa cần sự tỉ mỉ, cẩn thận nên buộc chị không ngừng học hỏi. Làm ở đây, chị được chị Mây hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm nên sau 1 năm chị đã làm tốt. Trung bình mỗi ngày chị làm được 50 - 60 bình sản phẩm, với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Không ngừng mày mò, học hỏi trên mạng và sách báo, từ 30 bình keo giống gốc ban đầu, đến nay xưởng sản xuất của chị Mây đã nhân lên được 10 nghìn bình giống gốc để nhân cắt giống tạo cây con. Chị cũng tích cực tham gia vào các nhóm, hội nuôi cấy mô cây trồng trên mạng xã hội để tìm đầu ra cho sản phẩm và học hỏi thêm kinh nghiệm.
Các chủ vườn ươm ở nhiều tỉnh, thành phố như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam dần biết đến chị và chủ động đặt hàng. Tuy nhiên, số lượng cây mầm của xưởng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong năm 2023, chị mới xuất bán được 4 đơn hàng, với 400 nghìn cây mầm, với giá 1.000 đồng/cây, thu về 400 triệu đồng. Tỷ lệ cây ra vườn ươm sống đến 98%.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ỷ La Nguyễn Chiến Trường đánh giá, mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp của đảng viên Vũ Thị Mây là một mô hình mới trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tuy mới thực hiện nhưng bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực và mở ra hướng đi mới, đúng với chủ trương phát triển kinh tế của Đảng và tỉnh ta. Phường rất khuyến khích, động viên và hướng dẫn chị lập hồ sơ đăng ký, trình UBND thành phố xem xét, công nhận là mô hình ứng dụng khoa công nghệ của thành phố và đề nghị được hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thực hiện.
Chị Mây mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền, địa phương về nguồn vốn để mở rộng diện tích, quy mô nuôi cấy và xây dựng được vườn ươm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương hơn. Chị phấn đấu năm 2024 sẽ sản xuất 1 triệu cây keo giống có chất lượng, đảm bảo kế hoạch ươm nuôi quanh năm của chủ vườn ươm. Và xa hơn, chị có thể ươm tạo thêm nhiều loại giống cây khác có năng suất, chất lượng để giúp cho người nông dân quê mình sản xuất đạt hiệu quả, cuộc sống ngày càng sung túc.
Gửi phản hồi
In bài viết