Bé Venice Mabansag chào đời lúc 1 giờ 29 phút ngày 15/11 tại Tondo, Manila.
(Nguồn: Facebook của Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines)
Bác sĩ Romeo Bituin, một lãnh đạo của Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial, nơi bé Venice Mabansag chào đời, cho biết: "Chúng tôi vừa chứng kiến em bé thứ 8 tỷ của thế giới chào đời tại Philippines. Chúng tôi đã chờ đợi khoảng 2 tiếng, bắt đầu từ lúc 11 giờ đêm 14/11 và em bé đã được sinh thường vào khoảng 1 giờ 29 phút".
Trước đó, trong Báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 được công bố vào đúng Ngày Dân số thế giới (11/7), Liên hợp quốc dự báo dân số thế giới sẽ chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022 và Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất.
Ngày Dân số thế giới năm nay diễn ra vào một năm quan trọng, khi thế giới chuẩn bị đón em bé thứ 8 tỷ. Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng của chúng ta, công nhận nhân loại chung của chúng ta và kinh ngạc trước những tiến bộ trong lĩnh vực y tế giúp kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres
Dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, xuống dưới mức 1% vào năm 2020. Các dự báo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, dân số có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, lên 9,7 tỷ người năm 2050. Dân số có thể lập đỉnh vào những năm 2080, lên khoảng 10,4 tỷ người và duy trì ở mức độ này cho đến năm 2100.
Báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 cũng cho biết, mức sinh đã giảm rõ rệt ở nhiều quốc gia trong những thập kỷ gần đây. Hiện nay, 2/3 dân số toàn cầu sống ở quốc gia/khu vực có mức sinh dưới 2,1 ca sinh/1 phụ nữ. Dân số của 61 quốc gia hoặc khu vực được dự đoán sẽ giảm từ 1% trở lên từ năm 2022 đến năm 2050, do mức sinh thấp kéo dài và trong một số trường hợp là do tỷ lệ di cư tăng cao.
Hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu từ nay đến năm 2050 dự kiến tập trung ở 8 quốc gia, gồm Cộng hòa dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa thống nhất Tanzania. Các quốc gia trong khu vực châu Phi cận Sahara dự kiến sẽ đóng góp hơn 50% mức tăng dân số được dự đoán đến năm 2050.
Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên được dự báo tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Vào thời điểm đó, dự kiến số người từ 65 tuổi trên toàn thế giới sẽ nhiều gấp hơn 2 lần số trẻ em dưới 5 tuổi, gần bằng số trẻ em dưới 12 tuổi.
Liên hợp quốc cho rằng, các quốc gia có dân số già nên thực hiện nhiều biện pháp để điều chỉnh các chương trình công phù hợp với số người cao tuổi ngày càng tăng, bao gồm thiết lập hệ thống y tế toàn dân, chăm sóc dài hạn, cải thiện tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội và lương hưu.
Mối quan hệ giữa gia tăng dân số và phát triển bền vững rất phức tạp và đa chiều. Dân số tăng nhanh khiến cho việc xóa đói, giảm nghèo, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng cũng như mở rộng hệ thống y tế và giáo dục trở nên khó khăn hơn.
Ngược lại, đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu liên quan y tế, giáo dục và bình đẳng giới, sẽ góp phần giảm mức sinh và làm chậm tốc độ tăng dân số toàn cầu.
Ông Liu Zhenmin, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc
Tuổi thọ trung bình toàn cầu khi sinh đạt 72,8 vào năm 2019, tăng gần 9 tuổi kể từ năm 1990. Tỷ lệ tử vong có xu hướng giảm có thể khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt khoảng 77,2 vào năm 2050.
Liên hợp quốc dự báo Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất. Ảnh chụp tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 1/4/2020. (Ảnh: Reuters)
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cả 3 thành phần của sự thay đổi dân số. Tuổi thọ trung bình toàn cầu đã giảm xuống còn 71 vào năm 2021. Ở một số quốc gia, các đợt dịch liên tiếp khiến số người mang thai và sinh con giảm trong thời gian ngắn. Đại dịch cũng hạn chế nghiêm trọng tất cả hình thức di chuyển của con người, bao gồm di cư.
Tuy 8 tỷ dân là một dấu mốc phát triển của loài người nhưng theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, con số này cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của nhân loại trong việc quan tâm đến hành tinh của chúng ta. Bởi vì, dân số toàn cầu ngày càng tăng và già hóa sẽ là một thách thức không nhỏ về kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết