Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Jakarta, Indonesia, ngày 17/2/2022. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại lễ ra mắt quỹ, Tổng thống Joko Widodo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2022 cho thấy hằng năm thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch trong tương lai. Do đó, việc xây dựng và phát triển một nguồn kinh phí nhằm ứng phó với đại dịch trong tương lai là thiết thực.
Theo ông Joko Widodo, Quỹ phòng đại dịch hiện đã quyên góp được 1,4 tỷ USD từ các khoản ủng hộ của 17 quốc gia thành viên và không phải thành viên của G20 cùng 3 tổ chức từ thiện quốc tế.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đóng góp khoảng 450 triệu USD, trong khi Italia đóng góp 102 triệu USD, Indonesia đã ủng hộ 50 triệu USD. Một số quốc gia khác đã tuyên bố cam kết ủng hộ tài chính cho quỹ này. Khoản tài trợ này được kỳ vọng có thể thu hẹp khoảng cách mà các nước đang phát triển và nước nghèo đang phải đối mặt với đại dịch trong tương lai.
Ngoài ra, để bảo đảm tốt công tác y tế phòng ngừa dịch bệnh, các nước cũng cần chú ý đến yếu tố bền vững trung hạn, đồng thời phát triển mạng kỹ thuật số toàn cầu và chứng nhận vaccine quốc tế.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết quỹ sẽ được giải ngân vào đầu năm 2023. Do đó, các quốc gia sẽ xây dựng tiêu chí cho các nước để được nhận hỗ trợ, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và nghèo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết quỹ trên sẽ trở thành một giải pháp và động lực giúp đẩy nhanh các biện pháp phòng ngừa đại dịch. Các nước sẽ sử dụng tối ưu hóa nguồn tài chính của quỹ để mang đến những kết quả tích cực cụ thể ở từng quốc gia. Theo bà Yellen, đây là vấn đề mang tính toàn cầu, do đó cần sự chung tay góp sức của tất cả các nước, không chỉ riêng các thành viên G20.
Về phần mình, đồng Chủ tịch của Quỹ, ông Chatib Basri cho biết đại dịch Covid-19 đã minh chứng thế giới cần quan tâm hơn tới sức khỏe cộng đồng. Ông đánh giá việc lập Quỹ phòng đại dịch là dấu mốc quan trọng vì lần đầu tiên các quốc gia trên thế giới cùng tham gia củng cố "kiến trúc y tế" toàn cầu theo những bước cụ thể.
Gửi phản hồi
In bài viết