Giá hàng hóa tại Mỹ đồng loạt giảm sâu trước thềm Black Friday

Đợt giảm giá sâu nhất của các chuỗi cửa hàng tại Mỹ năm nay đã bắt đầu từ tháng 10 và ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực may mặc.

Hàng hóa tại các chuỗi cửa hàng ở Mỹ đã bắt đầu giảm giá từ tháng 10. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters)

Các hãng bán lẻ tại Mỹ đang mời chào đợt giảm giá mạnh trước thềm Black Friday, hay gọi là ngày thứ Sáu Đen tối - thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn của Mỹ 25/11, ngày giá hàng hóa được đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất trong năm.

Đây là xu hướng ngược hẳn so với hai năm đại dịch vừa qua bởi hàng hóa khan hiếm thời đại dịch khi đó đã khiến các hãng bán lẻ thậm chí bán được một số mặt hàng nguyên giá.

Đợt giảm giá sâu nhất của các chuỗi cửa hàng tại Mỹ năm nay đã bắt đầu từ tháng 10 và ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực may mặc.

Trong khi các tín đồ mua sắm vui mừng sắm được những món đồ ưng ý với giá rẻ bất thường, không ít hãng bán lẻ thấp thỏm lo ngại giá cả sẽ tiếp tục trượt xuống dưới cả mức thấp nhất hồi năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.

Theo kết quả nghiên cứu của DataWeave, công ty phân tích giá hàng hóa trực tuyến hàng ngàn sản phẩm khác nhau của các hãng bán lẻ, hàng may mặc là mặt danh mục duy nhất trong khoảng 12 loại hàng hóa mà giá còn thấp hơn giá mùa sale năm trước.

Nhìn chung, khách mua hàng may mặc trong mùa giảm giá năm nay được rẻ hơn khoảng 5% so với năm ngoái nhưng tình hình này đang tạo áp lực đáng kể cho các công ty may mặc bởi chi phí sản xuất của họ vẫn tăng nhưng giá bán lại giảm sâu.

Tờ Wall Street Journal nhận định rằng, trước khi đại dịch xảy ra, các hãng bán lẻ hàng may mặc, nhất là các chuỗi trung tâm mua sắm, phải thu hút khách mua bằng các loại giảm giá, còn những hãng không muốn khuyến mại nhiều, ví dụ như JCPenney, đều khó có khách hàng.

Đại dịch xảy ra đã giúp cho các hãng "dễ thở" hơn chút ít. Các nhà máy tạm thời phải đóng cửa, vận chuyển bị hoãn hủy và các vấn đề khác liên quan chuỗi cung đã khiến hàng hóa trở nên khan hiếm, nhờ đó các hãng vẫn bán được nhiều hàng mà không phải giảm giá sâu.

Năm nay, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn là chỉ mua quần áo; họ có thể dành tiền đi du lịch, ăn uống nhà hàng, giải trí, cho nên hàng may mặc lại chất đống trên kệ, giá vì không có người mua.

Tuy nhiên, lạm phát cao năm nay lại khiến giá cả các đồ gia dụng, sản phẩm làm đẹp, đồ điện tử, nội thất và đồ chơi trẻ em tăng lên. Dù các hãng đã giảm giá nhiều nhưng người tiêu dùng thực ra vẫn phải trả nhiều tiền hơn khi mua các mặt hàng này so cùng thời điểm này năm trước.

Khảo sát của hãng Accenture PLC cho thấy, có tới 150 giám đốc các hãng bán lẻ cho biết họ phải tăng mức khuyến mại, chiết khấu trong mùa lễ hội năm nay, trong đó khoảng 1/3 số giám đốc doanh nghiệp được hỏi cho biết họ phải chấp nhận giảm giá sâu để giải quyết hàng tồn kho.

Những năm trước đây, thời điểm nửa đầu tháng 11 chưa phải là thời điểm giá giảm sâu nhất ở Mỹ nhưng hiện nay, khách mua đã nhộn nhịp bởi giá đã xuống quá thấp, đặc biệt đối với hàng quần áo may sẵn.

Theo TTXVN

Tin cùng chuyên mục