Theo đồng chí Lê Thị Thu Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy xã, để thực hiện tốt phong trào, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” của xã đã triển khai cho các tập thể, cá nhân đăng ký các mô hình. Đến nay, toàn xã có 155 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 35 tập thể và 120 cá nhân. Các mô hình đều là điển hình trong phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết khó khăn, vướng mắc tại địa phương, tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Mô hình trồng bưởi của gia đình chị Nguyễn Thị Khuyên, thôn Tân Bình đem lại hiệu quả kinh tế cao đã tạo sức lan tỏa trong thôn.
Điển hình trong công tác dân vận ở Đội Bình có chi bộ thôn Hưng Quốc và Đồng Giàn. Năm 2020 khi có kế hoạch triển khai xây dựng công trình đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua 2 thôn, việc vận động nhân dân hiến đất, di chuyển nhà ở, giải phóng mặt bằng là điều cấp thiết. Bà Đàm Thanh Lan, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hưng Quốc cho biết, để nhân dân đồng thuận, chi bộ đã họp chỉ đạo đảng viên phát huy tinh thần nêu gương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân hiểu về lợi ích, ý nghĩa khi tuyến đường cao tốc hoàn thành xây dựng. Bằng nhiều phương pháp, cách thức tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, 27 hộ đã thực hiện chặt cây, di dời nhà ở, 100% các hộ trong thôn đồng thuận giải phóng khu vực sân thể thao để hiến đất làm đường cao tốc.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế được phát huy và nhân rộng, huy động sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Đến thăm mô hình trồng bưởi của gia đình anh Nguyễn Chí Lâm và chị Nguyễn Thị Khuyên, thôn Tân Bình mùa này mới thấy được sự nỗ lực của đôi vợ chồng trẻ.
Chị Khuyên cho biết, năm 2005, anh chị bắt đầu trồng thử nghiệm bưởi Diễn, bưởi Soi Hà trên đất vườn nhà. Thời điểm ấy còn khó khăn nên vợ chồng chị quyết định “lấy ngắn nuôi dài”, vừa thử nghiệm trồng bưởi, vừa phát triển kinh tế gia đình dựa vào cây sắn, cây mía. Đến nay, gia đình chị đã có 180 gốc bưởi, trung bình hàng năm cho thu từ 700 - 800 triệu đồng. Cùng với phát triển cây ăn quả, gia đình cũng mở rộng chăn nuôi gà, lợn để vừa cải thiện thu nhập, vừa phục vụ nhu cầu của gia đình. Mô hình phát triển kinh tế của anh Lâm, chị Khuyên đã tạo sức lan tỏa trong thôn. Đến nay, thôn Tân Bình có 108 hộ thì có 50% các hộ tham gia trồng bưởi. Diện tích trồng bưởi toàn xã đạt trên 65 ha. UBND xã Đội Bình đang hướng dẫn thành lập Hợp tác xã Bưởi Tân Phát, tiến tới đăng ký tiêu chuẩn VietGAP Bưởi Tân Phát Đội Bình.
Các hộ dân thôn Hưng Quốc hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Mô hình nuôi ong lấy mật của cựu chiến binh Phương Văn Chúc, thôn Hưng Quốc cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Chúc cho biết, năm 2000, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, được sự động viên của Chi hội Cựu chiến binh thôn, ông đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế rừng và nuôi ong lấy mật. Đến nay, gia đình có trên 100 thùng nuôi ong. Mô hình đã lan tỏa đến 12 hộ của xã. Sắp tới Hợp tác xã nuôi ong Đội Bình sẽ được thành lập để các hộ gia đình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng đầu ra cho sản phẩm mật ong của địa phương.
Nhiều điển hình phát triển kinh tế khác cũng được khuyến khích nhân rộng tại địa phương như mô hình phát triển kinh tế đồi rừng của gia đình bà Lại Thị Dung, thôn Cầu Chéo; mô hình nuôi ong lấy mật của ông Nguyễn Hồng Quang, thôn Phú Bình… Các mô hình giữ gìn văn hóa, phát huy bản sắc tại các thôn Chiến Thắng, Cầu Chéo, Phú Bình, mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải… cũng được thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn trong nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ xã Đội Bình tiếp tục tập trung chỉ đạo, gắn phong trào “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, phấn đấu đạt các tiêu chí để về đích nông thôn mới trong năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết