Triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp
Trong các nhiệm kỳ gần đây, huyện Na Hang xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là một trong những khâu đột phá. Nghị quyết số 26-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (Khóa XXII) về phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc sản, giá trị gia tăng cao và bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu chiến lược là phát triển nông nghiệp hàng hóa dựa trên các sản phẩm đặc sản, mang tính đặc thù của vùng miền; đưa tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chiếm 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Chẩu Văn Bích, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Na Hang cho biết: Để thực hiện nghị quyết 26-NQ/HU, HĐND huyện Na Hang đã ban hành riêng một nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa, UBND huyện xây dựng Đề án, đồng thời ban hành 9 kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu mà nghị quyết đề ra. Huyện tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp lớn về phát triển nông nghiệp hàng hóa gồm: Phát triển, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương có lợi thế; Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị và kết hợp với phát triển du lịch; Thu hút và huy động nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
Giới thiệu sản phẩm chè của xã Thượng Nông cho khách du lịch.
Trong thực hiện, huyện Na Hang đã tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh; phát triển nông sản hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện từng bước xây dựng và phát triển các vùng hàng hóa, có quy mô phù hợp. Một số cây trồng, vật nuôi đặc sản, có lợi thế như cây chè Shan tuyết, cây lúa nếp đặc sản, cây rau trái vụ, cây dược liệu, gà thả đồi, lợn đen, cá đặc sản… được đẩy mạnh sản xuất theo hướng chú trọng vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Na Hang cũng đã tập trung hỗ trợ phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để HTX tham gia các dự án sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi giá trị; khuyến khích các HTX tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Huyện đã tích cực huy động các nguồn lực, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động bằng công trình thủy lợi; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, huyện quản lý và khai thác có hiệu quả 408 công trình thủy lợi và 227,8 km kênh mương đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất; mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất đối với các loại cây trồng chính trên địa bàn đạt 34%.
Nhiều sản phẩm phát huy lợi thế
Bằng các giải pháp đồng bộ và sự tích cực triển khai của các cấp, các ngành, các địa phương toàn huyện đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Chè Shan tuyết được xem là “vàng xanh” của Na Hang với diện tích 1.357 ha. Trong đó trên 110 ha chè được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia với sản lượng dự kiến 290 tấn/năm. Hiện có 3 công ty, 5 HTX thu mua, chế biến chè. Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái được cấp chứng nhận ISO 22000:2018 cho lĩnh vực chế biến và kinh doanh chè. Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; có 4 sản phẩm chè được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Lúa nếp Khẩu Láng là giống lúa đặc sản của Na Hang, diện tích trồng lúa nếp đạt 154,5 ha với sản lượng 110 tấn/năm. Sản phẩm gạo nếp Khẩu Láng đã được chứng nhận VietGAP và OCOP 3 sao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao. Hiện có 2 HTX sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản gồm HTX Nông nghiệp Thượng Nông và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thượng Giáp.
Gần đây, Na Hang đã chú trọng phát triển cây ăn quả đặc sản và dược liệu, trong đó các cây ăn quả chủ lực như lê, hồng không hạt, mận bản địa, và các cây dược liệu phục vụ ngành y học cổ truyền. Các sản phẩm từ lê Khâu Tràng và hồng không hạt Na Hang đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Bên cạnh đó các loại cây ăn quả của Na Hang còn phát huy tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng là lĩnh vực có tiềm năng lớn của Na Hang. Huyện đã tập trung phát triển các giống vật nuôi bản địa như trâu, bò, dê, gà đồi. Đặc biệt là lợn đen Na Hang - một sản phẩm đã được định vị trên thị trường. Các sản phẩm từ lợn đen như thịt lợn đen sấy khô, lạp xưởng lợn đen đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã trở thành một lợi thế to lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, với hơn 1.259 lồng cá đặc sản, sản lượng khai thác đạt 4.996 tấn/năm. Các loại cá như cá chép, cá lăng, và các sản phẩm chế biến từ cá đã trở thành những mặt hàng được thị trường quan tâm. Hiện có 3 doanh nghiệp và 2 HTX nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp nêu trên, đến nay, toàn huyện có 29 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái đủ điều kiện dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm đặc sản đã và đang dần khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nghị quyết 26-NQ/HU đã góp phần quan trọng vào nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện với mức tăng bình quân hằng năm xấp xỉ đạt 4%. Đây là cơ sở quan trọng cho mục tiêu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 38 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình hàng năm từ 3 đến 4%. Qua đó nâng cao đời sống của nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững, đây là một trong những bước đi quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới tại các địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết