Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng hóa. Mặt khác, chỉ dẫn địa lý để sản phẩm không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác. Xu hướng chung của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ.
Chè Shan tuyết đặc sản Hồng Thái (Na Hang) được khách hàng trong nước biết đến.
Hơn 1 năm trở lại đây người trồng bưởi Soi Hà thuộc các xã Phúc Ninh, Xuân Vân, Chiêu Yên, Lực Hành, Tứ Quận, Trung Trực... (Yên Sơn) không còn canh cánh nỗi lo sản phẩm bưởi bị đánh tráo hay “lạc đường” trên thị trường. Bởi bưởi Soi Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ông Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân chia sẻ, trước chưa có chỉ dẫn địa lý, bưởi Soi Hà luôn bị đánh tráo, trà trộn với các bưởi cùng loại ở các tỉnh, người trồng bưởi như ông thấy tổn thương, giá không được bằng, tiếng cũng mất. Giờ thì khác rồi, có chỉ dẫn địa lý, có nhãn hiệu, nguồn gốc được truy xuất rõ ràng, bưởi Soi Hà có tên, có địa chỉ giá trị cũng khác hơn. Theo ông Lực, bưởi Soi Hà quê ông ngoài cung ứng ở các chợ truyền thống, đã vào cả các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch ở nhiều thành phố lớn nên giá cũng ổn định hơn.
Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn khẳng định, sản lượng bưởi hàng năm của huyện ước đạt khoảng 21.000 tấn, trong đó 2/3 là bưởi Soi Hà đang được tiêu thụ mạnh ở khắp các thị trường trong và ngoài khu vực.
Không chỉ sản phẩm bưởi Soi Hà, trước đó, sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX cho biết, có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và cũng không bị nhầm lẫn với các sản phẩm cùng loại. Nếu như trước, chè Shan tuyết Hồng Thái chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh thì nay đã vươn ra cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Phục vụ nhu cầu khách hàng, HTX đã sản xuất sản phẩm lên đến 1 triệu đồng/kg. Ông Phố khẳng định, chớp lấy cơ hội phát triển, HTX liên kết với các hộ trồng chè thực hiện chăm sóc, bảo tồn diện tích chè hiện có và đi vào sản xuất quy củ, từ đó nâng cao giá trị chè, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của tỉnh như: Cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà (Yên Sơn), chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang) có nhiều thuận lợi khi tham gia vào thị trường, giá trị cũng tăng lên đáng kể khoảng từ 20 - 30%, thậm chí có sản phẩm lên đến 50%. Điển hình như sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái, trước đây chỉ khoảng 200 - 300 nghìn đồng/kg thì nay có những sản phẩm lên đến 500 - 700 nghìn đồng/kg, thậm chí có những sản phẩm đặt hàng lên đến 1 triệu đồng/kg. Không những có lợi cho người sản xuất, chỉ dẫn địa lý cũng đang tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm đặc biệt được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, từ đó họ sẽ mua nhiều và kích thích được sản xuất.
Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, số lượng sản phẩm có chỉ dẫn không nhiều, trong tổng số hàng chục sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hiện tỉnh mới chỉ có 3 sản phẩm là quá ít so với tiềm năng nông nghiệp của tỉnh.
Vườn bưởi Soi Hà của anh Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã được thương lái đặt hàng tiêu thụ.
Với sự đa dạng về điều kiện sinh thái, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất, tỉnh có lợi thế trong sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương. Toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm, dự kiến hết năm 2022, sẽ có thêm 51 sản phẩm được bình chọn, gắn sao OCOP. Đây là cơ hội để lựa chọn phát triển thương hiệu của nông sản (thương hiệu cá nhân, thương hiệu cộng đồng) và xây dựng chỉ dẫn địa lý bền vững và hiệu quả.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đang cùng với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ huyện Chiêm Hóa hoàn thiện hồ sơ gửi về Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trâu, thịt trâu Chiêm Hóa. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh dành một lượng vốn lớn để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và tính đến thời điểm này đã có trên 7,7 tỷ đồng được phân bổ về các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý đã khó, phát huy hiệu quả loại tài sản trí tuệ này còn khó hơn nhiều. Do đó, các chủ thể cần năng động, sáng tạo, chủ động liên kết hình thành các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý được vươn xa hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết