Lúa cỏ lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Cánh đồng phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) - địa phương ghi nhận sự xuất hiện lúa cỏ đầu tiên trên địa bàn tỉnh, dù diện tích nhiễm chưa phải là nhiều song tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan. Ông Đoàn Minh Tuyển, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành Tuyên Quang cho biết, vụ mùa 2022 qua kiểm tra đồng ruộng, cán bộ khuyến nông đã phát hiện nhiều cây lúa mang đặc điểm điển hình của lúa cỏ như: Lá cứng, bông ít hạt, khi va chạm các hạt thóc rất dễ rụng. Quá trình điều tra, 10 hộ dân ở đây đều khẳng định, nguồn giống lúa gieo cấy là do bà con tự để giống (tức là sử dụng lúa thịt làm lúa giống). Đây là 1 nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện lúa cỏ trên cánh đồng Hưng Thành.
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như: Hạt giống bị lẫn lúa cỏ, sử dụng giống trong vùng đã bị nhiễm lúa cỏ để gieo cấy cho vụ sau, thời gian chuyển vụ ngắn nên nguồn lúa cỏ lưu tồn trên đồng ruộng từ vụ trước chưa được xử lý; hạt lúa cỏ có thể di chuyển, phát tán theo nguồn nước, nhờ chim hoặc máy móc, nông cụ (máy làm đất, máy gặt,…) từ ruộng này sang ruộng khác, nơi này sang nơi khác.
Theo tài liệu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lúa cỏ cùng loài với lúa trồng nhưng là loài phụ, lúa không có năng suất, chất lượng như con người mong muốn. Lúa có tác động xấu đến canh tác thông qua việc cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng làm giảm sinh trưởng của lúa trồng. Đặc biệt, lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, chín sớm, hạt rất dễ rụng nên có khả năng lây lan nhanh, khó phòng trừ. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xếp lúa cỏ nằm trong những nguy cơ lớn đe dọa đến năng suất, sản lượng lúa trồng.
Người dân xóm 16, xã Kim Phú (Tp Tuyên Quang) làm đất kỹ hạn chế lúa cỏ xâm nhập, phát sinh.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định, lúa cỏ đã phát sinh và gây hại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm, đặc biệt do tập quán gieo sạ nên rất khó phòng chống. Trong vài năm trở lại đây, bà con nông dân chuyển từ cấy sang gieo sạ đã làm lúa cỏ gia tăng.
Ông Thanh khuyến cáo, chỉ còn vài ngày nữa bà con nông dân bước vào sản xuất vụ xuân, đây là thời điểm vàng thực hiện phòng, trừ hạn chế lây lan của lúa cỏ. Bà con nông dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh triệt để đồng ruộng trước khi canh tác vụ sau, làm đất kỹ trước khi gieo trồng. Đặc biệt bà con cần sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng; tuyệt đối không sử dụng lúa trong vùng nghi nhiễm lúa cỏ làm lúa giống.
Tại các khu vực nhiễm lúa cỏ, bà con nông dân cần chuyển đổi phương thức từ gieo sạ sang cấy theo hàng. Biện pháp này sẽ giúp bà con dễ dàng làm cỏ, sục bùn, đồng thời phát hiện sớm lúa cỏ để thực hiện loại bỏ ngay khi cây lúa cỏ khi còn nhỏ; luân canh cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn (cây màu) hoặc cây trồng nước nhưng khác họ, dễ dàng nhận biết, loại bỏ lúa cỏ...
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) và các vùng lận cận, nơi có nguy cơ cao lúa cỏ lây lan, bà con nông dân đã thực hiện các biện pháp để phòng trừ. Bà Hoàng Thị Hương, đội sản xuất Đông Sơn 1, phường Hưng Thành cho biết, bà đã mua giống lúa đúng trong cơ cấu giống của tỉnh, thực hiện gieo mạ để cấy thay cho gieo sạ như mọi năm. Bà cũng thuê máy để làm đất kỹ hạn chế nguy cơ lúa cỏ phát sinh.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Tuyên Quang Đoàn Minh Tuyển khẳng định, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cũng đã phân công cán bộ bám sát cơ cơ sở, đặc biệt là những cánh đồng bị nhiễm lúa cỏ để theo dõi tình hình, hướng dẫn, giám sát bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ sản xuất. Hy vọng lúa cỏ sẽ được khoanh vùng, kiểm soát hiệu quả, không ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất lúa gạo của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết