Đa dạng các sản phẩm từ cam VietGAP của HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm (Hàm Yên) được người tiêu dùng đón nhận.
Dự án KOICA tài trợ với tổng kinh phí hơn 18 triệu USD. Các hợp phần và hoạt động của dự án gồm: trao quyền cho phụ nữ, nâng cao thu nhập, cải thiện hạ tầng nông thôn, cung cấp giáo dục chất lượng tốt; cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức… đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với hợp phần nâng cao thu nhập, dự án đã thành lập và hỗ trợ hoạt động của 20 tổ hợp tác, hợp tác xã (THT/HTX).
Năm 2021, HTX Nông lâm nghiệp Phú Sơn, xã Tân Thanh (Sơn Dương) được dự án KOICA, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước - Viramie (Hà Nội) phối hợp, hỗ trợ triển khai mô hình “Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh AP1”. Mô hình có quy mô 10,2 ha, với 31 hộ dân huyện Sơn Dương tham gia. Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phú Sơn cho biết, ngay khi triển khai mô hình, HTX được dự án KOICA, doanh nghiệp cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, sau đó thu mua sản phẩm. Cây gai xanh AP1 là loại cây lưu gốc, khả năng sinh trưởng nhanh, vỏ gai khô dùng làm vải, củ làm dược liệu.
Cây trồng 1 lần có thể cho thu hoạch trong vòng 10 năm. Đến nay, HTX đã thu hoạch được 4 lứa, mỗi lứa thu được 1 tấn/ha, giá bán 40.000 đồng/kg, tương đương với 40 triệu đồng/lứa, dự kiến lứa sau sản lượng tăng lên 1,2 tấn. Một năm thu 4 -5 lứa, cho doanh thu đạt 80-120 triệu đồng/ha/năm. Tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, HTX được doanh nghiệp ký hợp đồng trồng và tiêu thụ sản phẩm đến năm 2031 nên các thành viên của HTX rất yên tâm sản xuất. HTX đang cố gắng đến đầu năm 2023 đưa diện tích gai xanh lên 100 ha.
Sản phẩm cây gai xanh AP1 của HTX Nông lâm nghiệp Phú Sơn (Sơn Dương) được dự án KOICA hỗ trợ liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Với 16 thành viên HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm (Hàm Yên), trước đây, chủ yếu trồng và chăm sóc cam theo phương thức truyền thống. Nhưng từ năm 2021, HTX được dự án KOICA hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 49 ha. Chị Nguyễn Thị Tĩnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm chia sẻ, bên cạnh việc được chuyển giao kiến thức, kỹ thuật về sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, dự án KOICA còn hỗ trợ HTX gần 6.000 cây cam giống để mở rộng thêm diện tích 11,5 ha trồng cam, phân bón, hệ thống máy chế biến cam sấy, logo tem mác, bao bì sản phẩm cam sấy khô.
Nhờ đó, HTX đã nâng cao năng suất, chất lượng cam; giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất đối với sức khỏe của người sản xuất, sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Được dự án hỗ trợ giúp sản phẩm cam đạt tiêu chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP mà giá bán cam tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với cam cùng loại. Với sản phẩm mới là cam sấy khô đã giúp gia tăng giá trị của trái cam cao hơn. Sản lượng thu hoạch niên vụ cam 2022-2023 ước đạt 450 tấn, doanh thu đạt 3,6 tỷ đồng.
Từ năm 2019 đến nay, dự án KOICA đã hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng cho 12 THT, 8 HTX trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tư vấn, thành lập 12 THT mới trong năm 2021; tổ chức 71 lớp tập huấn nâng cao năng lực (duy trì, vận hành, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh) cho hơn 1.100 lượt người; xây dựng 10 mô hình sản xuất, 20 chuồng trại chăn nuôi trâu sinh sản, 4 nhà màng công nghệ cao cùng thiết bị tưới, 4 nhà xưởng chế biến và trang thiết bị sơ chế, đóng gói; hỗ trợ 9 THT/HTX đạt chứng nhận VietGAP…
THT Trồng và Chế biến chè Đức Uy, xã Trung Sơn (Yên Sơn) được KOICA hỗ trợ trang thiết bị chế biến chè.
Đồng chí Nguyễn Thiện Tuyên, Trưởng Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh cho biết, dự án KOICA là một trong những nguồn lực quan trọng giúp tỉnh đẩy mạnh công tác giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Từ những hỗ trợ của dự án mà đã có nhiều THT/HTX đã nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, như: THT Rau củ quả an toàn Ninh Thái, xã Thái Hoà, THT sản xuất Thanh long ruột đỏ Yên Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên); THT Hương chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, HTX dịch vụ, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa, xã Hợp Hoà (Sơn Dương); HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, xã Hồng Thái (Na Hang)....
Thời gian tới, dự án KOICA tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tư vấn thành lập các THT, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các THT/HTX về vận hành, duy trì, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng quản trị cho các HTX; phối hợp với các đơn vị chuyên môn ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn THT/HTX sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và các hoạt động ở công đoạn sau thu hoạch như sơ chế, chế biến và thương mại sản phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết