Chuyện ở Lăng Đán
Là trai đất Hà Thành song cơ duyên đã đưa anh Phạm Vũ Tuyên lên bản Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên) để viết lên câu chuyện tạo giá trị mới cho cam sành Hàm Yên. Anh Tuyên khẳng định, bản Lăng Đán, Mường, Pắc Cáp... đất của những vườn cam xanh thẫm, với những trái cam vàng óng, mọng nước thơm ngọt nhất nhì xứ cam là nhờ nguồn nước suối chảy từ đỉnh Cham Chu hùng vĩ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng tại Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang năm 2022.
Anh Tuyên khẳng định, dự án mô hình tích hợp đa tầng được anh lấy tên là Cam núi Hàm Yên. Đảm bảo cho mô hình đạt được thành công, anh đã liên kết với các tiến sỹ, kỹ sư sinh hóa của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hỗ trợ để tạo ra nhiều hơn các sản phẩm từ cam. Gần 2 năm nghiên cứu và kỳ công thực hiện, Cam núi Hàm Yên cho ra đời tất thảy 12 sản phẩm từ cam, thuộc các dòng dược liệu chăm sóc sức khỏe, đồ ăn, đồ uống, hàng tiêu dùng như hoa cam ngâm mật ong, tinh dầu cam, mứt cam, trà ướp hoa cam, nước rửa tay hương tinh dầu cam. Riêng rượu cam có 2 sản phẩm: vang cam và volka cam...
Để cho ra đời sản phẩm từ cam, nguyên liệu được lựa chọn rất kỹ lưỡng, cam được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ, những bông cam, trái cam được nâng niu, bảo quản cẩn thận nhất. Quá trình chế biến cũng vô cùng cầu kỳ, khắt khe trong quá trình chế biến nên sản phẩm tinh dầu cam được người tiêu dùng đánh giá nguyên chất nhất, hương thơm chuẩn nhất.
Anh Phạm Vũ Tuyên cho biết, anh và các cộng sự đang bắt tay thực hiện kế hoạch mới, phát triển cơ sở trở thành điểm nghỉ dưỡng, trải nghiệm đồng thời kết nối các công ty lữ hành để phát triển các tour du lịch thăm rừng nghiến Cham Chu, tắm thác Mạ Héc, tham gia trải nghiệm các công đoạn sản xuất rượu cam, chế biến tinh dầu cam...
Những “nông sản hạnh phúc”
“Tư lệnh” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thời gian gần đây rất tâm huyết khi nhắc đến các sản phẩm “nông sản hạnh phúc” ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó có Tuyên Quang.
Đây là những sản phẩm an toàn, trách nhiệm và khi nhắc đến cảm thấy tự hào. Vị Tư lệnh ngành khẳng định, Tuyên đang có nhiều hơn các sản phẩm an toàn, trách nhiệm được sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP và được tiêu chuẩn hóa có sức cạnh tranh lớn trên thị trường như: chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang); chè xanh Ngọc Thúy (Yên Sơn); trà túi lọc đậu đen xanh lòng (Chiêm Hóa), dưa chuột bao tử, dưa lưới DUC DUONG FARM (Sơn Dương), cam hữu cơ (Hàm Yên), cá sạch (Na Hang)... Những sản phẩm đã đang tích hợp được đa tầng, đa giá trị tạo ra thương hiệu cho Tuyên Quang. Và từ thương hiệu ấy kích hoạt những tiềm năng khác như công nghiệp chế biến, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Tương lai nông nghiệp Tuyên Quang sẽ là nền kinh tế nông nghiệp vừa mang yếu tố về kinh tế vừa mang yếu tố môi trường và cả yếu tố văn hóa. Bởi mỗi sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang hôm nay đã gắn liền với những địa danh lịch sử, gắn liền với những nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc...
Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) bảo rằng, giá trị sản phẩm của chè Shan tuyết Hồng Thái không dừng lại ở hương vị đặc biệt của đồ uống, mà mang theo cả dư vị của thời gian, cả tinh túy của đất, của nước, của đồng bào Dao Tiền.
Còn ông Triệu Tiến Sình, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao Tân Trào (Sơn Dương) bảo rằng, mật ong của hợp tác xã được những chú ong ta gom nhặt từ các loài hoa tự nhiên trên dãy núi Hồng xanh thẳm nên chất lượng mật không thể chê, không lẫn vào đâu được.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang hướng tới những giá trị thực chất của sản phẩm, đem lại đời sống ấm no, giàu có cho người nông dân và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp khác biệt, tích hợp đa giá trị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là cơ sở để kích hoạt các lợi thế phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, bảo đảm gia tăng giá trị và thu nhập cho người dân. Xuân mới chúc bà con nông dân tiếp tục đổi mới, sáng tạo với những mô hình sản xuất tích hợp đa giá trị, bảo đảm nông nghiệp thực sự trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết