Ông Đặng Minh Tơn
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội
Gần 10 năm thi hành Luật Đất đai vào năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy nguồn lực về đất đai trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là việc sử dụng đất đai có hiệu quả trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở các đô thị. Đất đai là cơ sở, nguồn lực tham gia phát triển thị trường bất động sản; các nguồn thu từ thuế sử dụng đất, phí sử dụng đất tăng lên đóng góp vào ngân sách...
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa khai thác đầy đủ thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; công tác thu hồi đất, bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người có đất thu hồi, nhà nước và nhà đầu tư; khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra phức tạp... Một số phát sinh trong thực tiễn mà Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định điều chỉnh. Đó là những vấn đề cấp thiết để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với một số điểm mới sửa quy định về đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ; bỏ khung giá đất, sửa quy định về bảng giá đất, giá đất cụ thể; bổ sung khoản thu tài chính từ đất đai; bổ sung trường hợp thu hồi đất... được kỳ vọng giúp hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ từ đó khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Triệu Văn Quỳnh
Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi (Yên Sơn)
Bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường
Bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường là một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Đất đai. Theo đó, hiện nay, Điều 113 Luật Đất đai năm 2013 vẫn có quy định về khung giá đất như sau: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Trong đó, theo quy định hiện hành, thời hạn của khung giá đất là 5 năm với từng loại đất theo từng vùng khác nhau. Tại dự thảo Luật Đất đai này, quy định về bảng giá đất đã không còn. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn có vai trò quy định nguyên tắc xác định mức ổn định của giá đất trong vòng 5 năm và không vượt quá 20% so với kỳ trước đó tại địa phương. Với việc bỏ khung giá đất, đảm bảo việc định giá công khai, minh bạch, chống thất thoát, bảo đảm thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước đồng thời hoàn thiện quy định về nguyên tắc định giá đất là phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Gửi phản hồi
In bài viết