Vì việc làng, “đất vàng” cũng hiến
Người nông dân vốn nặng tình, nặng nghĩa với mảnh đất, thửa ruộng. Họ yêu đất như yêu chính cuộc sống của mình nhưng vì lợi ích chung, các đảng viên ở Bạch Xa sẵn sàng cắt đất, cắt ruộng để làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi mà không đòi hỏi một quyền lợi nào. Chính sự tiên phong đi trước của các đảng viên đã lan tỏa phong trào hiến đất ở vùng quê nơi đây.
Đang là mùa mưa nên con đường đến thôn Cầu Cao 2, xã Bạch Xa khá khó khăn. “Tiếng thơm” của đảng viên Nguyễn Văn Chu, dân tộc Dao hiến một khu đồi rộng 1.036 m2 để xây dựng lớp học mầm non khiến đôi chân tôi như bước nhanh hơn đến thăm gia đình anh. Được biết, nơi này, trước đây được trồng nhiều loại cây ăn quả như: vải, nhãn, hồng xiêm, trám và hơn 6 sào chè cành, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Đó quả thực là số tiền không nhỏ đối với người dân nơi đây. Anh Chu cho biết: “Bọn trẻ được học hành trong điều kiện tốt, chu đáo thì tương lai mới xán lạn được. Gia đình tôi hiến đất xây lớp học cũng bởi mong ước ấy”. Không dừng lại đó, mới đây, gia đình đảng viên Nguyễn Văn Chu lại hiến hơn 200 m2 đất vườn để xây dựng nhà văn hóa thôn Cầu Cao 2.
Nhà văn hóa thôn Đồn Bầu xây dựng từ nguồn vốn 135 do gia đình anh Phạm Văn Nghĩa tự nguyện hiến 560 m2 đất. Đảng viên Phạm Văn Nghĩa bảo: “Trước đây trong các cuộc họp thôn, cán bộ và bà con khá vất vả khi không có nhà văn hóa. Chi bộ họp bàn cách tháo gỡ khó khăn về quỹ đất xây dựng nhà văn hóa. Họp mãi không tìm được, tôi là đảng viên, tôi quyết định hiến hơn 500 m2 đất đồi của gia đình để có đất xây dựng. Tôi nghĩ tài sản của mình thì ai cũng tiếc, thế nhưng bớt chút quyền lợi vì cộng đồng trong đó có cả mình được hưởng thì nên làm”.
Đảng viên Nguyễn Văn Chu, Chi bộ Cầu Cao 2 hiến đất xây nhà văn hóa thôn Cầu Cao, xã Bạch Xa (Hàm Yên).
Đồng chí Từ Quang Trưởng, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Xa cho biết, thời gian qua có rất nhiều đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, chủ động hiến đất làm đường, xây trường, xây nhà văn hóa. Điển hình như đảng viên Đặng Văn Bách, chi bộ thôn Ngòi Nung hiến 600 m2 để làm đường bê tông, đảng viên Phùng Văn Nhất, đảng viên Triệu Tài Phòng, chi bộ thôn Nà Quan hiến 400 mét, đảng viên Lương Văn Tôn, chi bộ Ngòi Nung hiến 530 m2 đất vườn đồi để làm nhà văn hóa... Ở một số thôn, không ai bảo ai, nhiều hộ tự nguyện hiến đất. Điển hình như hộ ông Lương Văn Tôn, Triệu Văn Tôn, thôn Ngòi Nung hiến 300 m2 đất xây dựng nhà văn hóa; ông Đặng Văn Điệm, thôn Ngòi Nung hiến 200 m2 đất làm đường; anh Bàn Văn Càn, thôn Cầu Cao hiến 150 m2 làm đường bê tông... Phong trào hiến đất ở Bạch Xa lan tỏa, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Đi đầu trong phát triển kinh tế
Không chỉ nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ mà cán bộ, đảng viên ở đây còn nêu gương trong phát triển kinh tế gia đình. Bám sát nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng ủy, các đảng viên luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tại các chi bộ, nhiều cán bộ, đảng viên đã chủ động tìm tòi các mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả cao đưa vào thực hiện tại địa phương. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do đảng viên làm chủ. Điển hình như mô hình VAC của đảng viên Nguyễn Văn Quang, chi bộ thôn Bến Đền; mô hình vườn cây ăn quả của đảng viên Ngô Thanh Tân, chi bộ thôn Ngòi Nung; mô hình nuôi dê của đảng viên Trần Văn Thành, chi bộ thôn Làng Ẻng...
Đảng viên Triệu Văn Bách, chi bộ thôn Ngòi Nung là người đầu tiên mang cây cam sành về trồng ở đất Ngòi Nung. Ông Bách chia sẻ: “Với trách nhiệm của người đảng viên, tôi luôn gương mẫu, tích cực trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm trước, thấy nguồn lợi từ trồng cây cam, tôi đã đích thân học hỏi các hộ dân ở Phù Lưu để đưa cây cam về trồng. Bên cạnh cây cam sành là cây trồng mũi nhọn, tôi đã tận dụng đất vườn tạp để trồng thêm cây chanh tứ mùa. Hiện nay, gia đình tôi có 2,5 ha cam và 1 ha chanh tứ mùa, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.
Mô hình nuôi ốc của đảng viên Nguyễn Văn Nắng (bên trái), Chi bộ Cầu Cao 2, Đảng bộ xã Bạch Xa (Hàm Yên).
Hiện nay thôn Ngòi Nung có 116 hộ, trong đó có 80% số hộ dân trồng cây ăn quả. Điển hình như các hộ ông Nguyễn Văn Quân, Đặng Văn Lăng, Triệu Văn Quế... trồng trên 3 ha cam và chanh, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi ốc của đảng viên Nguyễn Văn Nắng, chi bộ thôn Cầu Cao 2 là mô hình kinh tế được nhiều người đến tham quan, học hỏi. Với diện tích hơn 300 m2, năm 2018, anh Nắng chính thức bắt đầu làm quen với việc nuôi ốc nhồi. Để tiết kiệm chi phí mua giống, anh tự mình lặn lội khắp các ao, hồ ở xã để nhặt ốc về làm giống. Anh lựa chọn cẩn thận những con ốc to, khỏe để đưa vào thả nuôi. Song song với đó, anh tích cực lên mạng Internet để tìm hiểu kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi. Nhờ đó, bước đầu anh đã có thu nhập ổn định.
Anh chia sẻ, ốc khá dễ nuôi, giá ốc thịt luôn giữ ổn định ở mức cao từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg. Chỉ cần giá ốc thịt từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg là người nuôi đã có lãi khá. Từ kinh nghiệm của mình, anh đã tư vấn nhiều hộ dân trong thôn phát triển kinh tế từ mô hình này. Điển hình như hộ anh Trần Văn Duyên, Bàn Văn Thể...
Các đảng viên của xã đã thực sự nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế. Từ đó, thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Hàng năm, Đảng bộ xã có trên 80% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23%.
Những đảng viên nơi đây đã trở thành những tấm gương điển hình trên mọi lĩnh vực từ phát triển kinh tế đến tham gia vào công việc chung của thôn, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết