Nhìn lại thì thấy, hàng năm, các tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị của tỉnh đều thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng. Hoạt động này giúp tự soi lại mình, từ đó đề ra giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng kiểm điểm qua loa, hình thức, dễ người dễ ta. Các ý kiến phát biểu cho đồng chí, nhất là cấp trên hầu như chỉ bổ sung thành tích mà ít ý kiến thẳng thắn chân thành chỉ ra hạn chế. Lại có tình trạng lợi dụng kiểm điểm để “đánh hội đồng”, phê người, không phê việc.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Đại hội XIII của Đảng ta cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức, để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chính vì vậy, đợt sinh hoạt tự soi tự sửa lần này cần nhìn nhận rõ những hạn chế trong phê bình và tự phê bình đã kể trên; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; nhận diện được những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó kịp thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục.
Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ cũng cần tự soi một cách tự giác, trung thực, thẳng thắn. Cần tránh chung chung trong chỉ ra hạn chế, khuyết điểm; chưa rõ, chưa cụ thể trong giải pháp, lộ trình sửa chữa, khắc phục. Có như vậy, mới thực sự góp phần xây dựng tập thể cấp ủy đơn vị đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết