Đồng chí Hoàng Đức Anh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Ninh chia sẻ, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; phát triển vùng chuyên canh tập trung như cây chè, cây mía, cây ăn quả, trồng rừng. Đồng thời, duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại quy mô lớn.
Mô hình kinh tế tổng hợp của đảng viên Nguyễn Việt Phong, Chi bộ thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh là điển hình của xã. Hiện anh có 7,5 ha vườn đồi với 4 ha trồng bưởi, 3 ha cam, 0,5 ha ao cá. Anh Phong cho biết, kinh tế vườn, ao đem lại cho gia đình anh gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Từ kinh nghiệm của mình, anh đã đứng ra liên kết tổ chức các hộ cùng trồng cây ăn quả thành lập Hợp tác xã sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh với 27 hộ thành viên. Nhận trách nhiệm kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, anh Phong đi khắp các chợ đầu mối tiêu thụ rau, quả trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm bạn hàng. Nhờ có liên kết, nông sản của các thành viên trong hợp tác xã được trồng theo hướng VietGap, đều tìm được đầu ra. Doanh thu của các thành viên trong hợp tác xã mỗi năm đạt từ 200 - 500 triệu đồng.
Đảng viên Bùi Văn Nhâm (bên trái), Chi bộ thôn 20, xã Đức Ninh (Hàm Yên) trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả với người dân trong thôn.
Ban Thường vụ Đảng ủy xã giao cho các đồng chí trong cấp ủy phụ trách thôn, thường xuyên định hướng, vận động nhân dân phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình và tình hình cụ thể ở địa phương. Các đồng chí trong cấp ủy tích cực đi cơ sở tìm hiểu thực tiễn đời sống của nhân dân để có những đánh giá đúng đắn tình hình ở cơ sở, sau đó họp bàn với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đưa ra những giải pháp, bước đi hợp lý. Đảng ủy xã cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tổ chức các phong trào, mô hình thiết thực giúp đỡ đoàn viên, hội viên thoát nghèo. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ xây dựng mô hình “Viên gạch hồng”; Đoàn thanh niên xây dựng phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp”, Hội CCB xây dựng phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi”…
Bám sát nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng ủy, các chi bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tại các chi bộ, nhiều cán bộ, đảng viên đã chủ động tìm tòi các mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả cao đưa vào thực hiện tại địa phương. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do đảng viên làm chủ. Đảng viên Tạ Quang Thái, thôn 20 có 400 gốc bưởi, 1.200 gốc cam, 2 ha rừng keo đem lại thu nhập 400 triệu đồng/năm. Bằng những kinh nghiệm đã tích lũy, ông Thái thường xuyên chia sẻ với bà con để cùng nhau phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Ông Thái nói: “Mô hình kinh tế của tôi thực hiện đa dạng các loại cây trồng, đảm bảo cân đối và không làm ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó chú trọng chăm sóc cây trồng bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ, tự chế biến đảm bảo thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, trồng rừng cũng phải quy hoạch tốt thì rừng mới phát triển lâu dài và bền vững”.
Từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện, phát huy được tính tích cực vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhiều mô hình đã trở thành điểm đến tham quan học tập của bà con trong xã. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của đảng viên Bùi Văn Nhâm, Chi bộ thôn 20 có 600 gốc bưởi, 600 gốc cam quýt; mô hình trồng bưởi theo hướng VietGap của đảng viên Hà Văn Tùy, Chi bộ thôn Đồng Danh; mô hình chăn nuôi gia súc của anh Bùi Việt Linh, thôn Ao Sen 2…
Các đảng viên của xã đã thực sự nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế. Từ đó thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,65%.
Gửi phản hồi
In bài viết