Tại điểm cầu Tuyên Quang, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; các Ban Quản lý dự án của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, hiện nay việc giải ngân vốn ODA khối địa phương chỉ đạt gần 2%, trong đó có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 20%, trong đó có tỉnh Tuyên Quang; 37/63 tỉnh thành phố chưa có tỷ lệ giải ngân. Tỷ lệ giải ngân chậm bởi các địa phương còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm chậm tiến độ thực hiện giải ngân; thủ tục rút vốn nước ngoài còn mất nhiều thời gian ảnh hưởng tới việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; nhiều chủ đầu tư còn chậm giải phóng mặt bằng, chậm thiết kế thi công, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu; giá vật tư, thiết bị nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án; giai đoạn hoàn tất thủ tục giải ngân chậm như hồ sơ rút vốn, nhiều chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn ODA năm 2020 kéo dài và chuyển nguồn…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn dự hội nghị.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án ODA do địa phương vay lại của Chính phủ gồm: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc (TP Tuyên Quang); Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn; Chương trình sửa chữa nâng cao an toàn đập. 1 dự án viện trợ không hoàn lại là Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam.
Kế hoạch vốn các Chương trình sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được sử dụng năm 2021 là trên 293,5 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn ODA đến ngày 31-5-2021 đạt trên 67,1 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch.
Kết luận hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị các địa phương cần tập trung các giải pháp cụ thể để giải ngân vốn ODA theo kế hoạch. Đồng thời, các bộ, ngành ưu tiên các dự án giải ngân trong năm 2021. Các địa phương chủ động trong việc điều chỉnh phân bổ nguồn vốn cho các dự án tại địa phương, từ đó cần chủ động hơn trong việc điều chỉnh nguồn vốn để đảm bảo kế hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư và giải ngân vốn đúng luật định. Những vấn đề liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, thủ tục đối với hiệp định vay vốn, hai bộ cũng sẽ phối hợp để tháo gỡ cho các địa phương. Những khối lượng nào chưa giải ngân được thì các địa phương cân nhắc đề xuất điều chỉnh chuyển nguồn sang kế hoạch vốn năm 2022 để không làm áp lực cho quá trình giải ngân nguồn vốn.
Gửi phản hồi
In bài viết