“Đánh thức” thư viện trường học

- Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã cải tạo, đổi mới khuôn viên cũng như hoạt động của thư viện nhằm khơi dậy hứng thú, tạo niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh.

Trước đây, thư viện của trường Tiểu học Trường Thành (TP Tuyên Quang) chỉ là phòng đọc nhỏ được trưng dụng từ một phòng học cũ của nhà trường, bởi vậy ít thu hút học sinh mượn đọc sách, truyện. Cô giáo Phạm Thị Thanh Hoa, giáo viên nhà trường cho biết, mọi hoạt động tìm mượn sách của học sinh và giáo viên thời gian trước đó đều phải thông qua cán bộ phụ trách thư viện. Năm học 2020 - 2021 vừa qua, nhà trường đã tiến hành xây dựng một thư viện mới khang trang với phòng mượn đọc linh hoạt. Cùng với đó, hệ thống chiếu sáng và quạt gió được đảm bảo, bảng biểu nội quy tạo cảm giác thân thiện. Cách thức tìm mượn sách cũng thay đổi khi các thầy cô giáo và các em học sinh được tự tìm kiếm  các sách tham khảo, báo, tạp chí, truyện tranh mà mình yêu thích. Đến nay, thư viện ngày càng thu hút và gia tăng lượt học sinh tìm mượn và đọc sách.


Học sinh trường Tiểu học Chân Sơn (Yên Sơn) tìm đọc sách tại thư viện nhà trường.

Cùng với việc cải tạo khuôn viên thư viện, các trường học cũng tăng cường luân chuyển, bổ sung sách nhằm làm phong phú thêm tài nguyên thư viện nhà trường. Chị Nguyễn Thị Nhung, Tổng Phụ trách Đội trường Tiểu học Chân Sơn (Yên Sơn) nói, trường có 22 lớp học với trên 480 học sinh, 78,3% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhà trường thường xuyên phối hợp với Thư viện huyện Yên Sơn tiến hành luân chuyển từ 100 đến 200 đầu sách bao gồm sách thiếu nhi, sách văn học, khoa học kỹ thuật, báo, tạp chí… để phục vụ nhu cầu đọc của các em học sinh trong trường. Thư viện được bố trí tại khu vực thuận tiện qua lại và mở hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần nhằm phục vụ và khuyến khích nhu cầu tìm đọc thường xuyên của các em học sinh.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả của thư viện, các trường học cũng triển khai nhiều hoạt động để khơi dậy niềm đam mê, hứng thú đọc sách, tiêu biểu như tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách, chương trình ngoại khóa “Ngày hội đọc sách”… Một số trường học xây dựng các mô hình “thư viện xanh” như trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Na Hang (Na Hang), trường Tiểu học Thái Bình (Yên Sơn), “Thư viện thân thiện” tại trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang), trường Tiểu học Vĩnh Lợi (Sơn Dương)…

Cuối tháng 11-2020, trường THPT Chiêm Hóa đã tổ chức chương trình ngoại khóa “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”. Tại chương trình, nhà trường đã tiếp nhận trên 500 bản sách do Thư viện tỉnh trao tặng. Các thầy cô giáo và các em học sinh cũng tham gia quyên góp để xây dựng thư viện với số tiền trên 15 triệu đồng và 400 cuốn sách. Em Vũ Trần Thu Thùy, lớp 11B1 tâm sự, tại Ngày hội đọc sách, chúng em đã biểu diễn thành công một số tác phẩm văn học tiêu biểu dưới hình thức sân khấu hóa. Để tạo nên một tiểu phẩm hay thì ngoài việc phải đọc thật kỹ tác phẩm chúng em cũng cần đọc thêm các tài liệu tham khảo và viết lại lời thoại, lời dẫn sao cho phù hợp. Thông qua buổi ngoại khóa, chúng em cũng đã hiểu được rằng sách là chìa khóa vạn năng giúp mở ra nguồn tri thức vô hạn của nhân loại. Việc chọn đúng sách và đọc sách hàng ngày là phương pháp tốt nhất để chúng em nâng cao hiểu biết, từ đó phục vụ tốt cho việc học tập và nâng cao khả năng ứng xử trong cuộc sống.

Hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện phục vụ nhu cầu đọc sách, tìm kiếm thông tin của học sinh và giáo viên trong trường. Bằng nhiều hình thức khuyến khích khác nhau, phong trào đọc sách đang tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong các trường học. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục