Sử dụng làn điệu Then, Páo dung trong học lịch sử

- Trong giờ học Lịch sử địa phương, giáo viên chủ yếu sử dụng tài liệu thành văn, các loại tài liệu khác như tài liệu đồ dùng trực quan, tài liệu truyền miệng dân gian, tài liệu điền dã ít được khai thác, sử dụng nên bài học thường khô khan, nhàm chán.

Các em Liên Kim Hạnh, Lý Thị Minh Thùy, trường THPT Ỷ La đã nghiên cứu đưa ra dự án Tạo hứng thú học môn Lịch sử bằng việc sử dụng làn điệu Then của người Tày và Páo dung của Người Dao đã đạt giải Ba tại Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp THPT năm 2020.


Hát Páo dung của dân tộc Dao Hàm Yên.

Các em nghiên cứu dựa vào nguồn sử liệu địa phương trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang; hồ sơ và kết quả công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho làn điệu Then và Páo dung; thu thập tư liệu tại Bảo tàng Tuyên Quang; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nghệ nhân hát Then, hát Páo dung; các bài hát ca ngợi quê hương Tuyên Quang; đến nhà nghệ nhân nghe hát, tập hát và diễn xướng.

Thông qua sử dụng di sản văn hóa dân tộc trong dạy học, cụ thể là làn điệu Then của người Tày và Páo dung của người Dao để có thể linh hoạt dạy học trên lớp, tại thực địa và tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác; đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động học tập như: trao đổi, thảo luận, trình bày ý kiến riêng của mình. Ý tưởng sử dụng làn điệu Then của người Tày và Páo dung của người Dao ở Tuyên Quang để tạo hứng thú cho học sinh học lịch sử địa phương được đưa vào tiết Lịch sử với đối tượng là học sinh lớp 12 trường THPT Ỷ La nhằm nâng cao hiệu quả tìm hiểu về lịch sử địa phương Tuyên Quang cho học sinh.

Việc đưa những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số vào tiết học Lịch sử địa phương vừa tạo sự mới mẻ, hứng thú trong quá trình tiếp cận kiến thức, vừa giúp cho học sinh có thêm những hiểu biết, đồng thời góp phần giữ gìn và bảo vệ di sản văn hóa dân tộc đang được ứng dụng rất hiệu quả.

Bài, ảnh: Lan Hương

Tin cùng chuyên mục