Tuyên Quang, “Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến” không chỉ là địa danh về nguồn, nơi gắn liền với những di tích cách mạng như lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, nơi Chính phủ lâm thời và Bác Hồ cùng các bộ, ngành Trung ương từng đặt trụ sở làm việc, trong đó có khu dích Bộ Ngoại giao. Đây cũng là nơi Bác Hồ từng nhận Quốc thư của Đại sứ các nước XHCN sớm công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nhưng Tuyên Quang không chỉ có vậy. Bước vào thời kỳ phát triển kinh tế, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Một trong những nơi tiềm năng đó là huyện miền núi Na Hang. Na Hang, tiếng Tày là Nà Hang, cũng có nghĩa là “mảnh ruộng cuối”, nơi đây đúng là sơn cùng thủy tận, cao ngút ngàn mây.
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình khai mạc Lễ hội Hương sắc Na Hang.
Tôi được các đồng chí ở huyện Na Hang mời tham dự Lễ khai mạc “Lễ hội Hương sắc Na Hang năm 2023”, lần đầu tiên được tổ chức đầy màu sắc đậm chất văn hóa vùng cao và chương trình “Festival chè Shan tuyết Na Hang”, hoạt động “Chợ đêm và tuyến phố đi bộ”, “Điểm cây hạnh phúc” và nhiều hoạt động phong phú khác.
Đây là lần thứ tư tôi trở lại thăm Na Hang trong vòng bốn năm qua và nhân dịp này cũng mạo muội trao đổi với các đồng chí lãnh đạo huyện một vài suy nghĩ cá nhân về hướng phát triển của địa phương thời gian tới.
Tiềm năng du lịch cần được coi trọng và phát triển hơn nữa
So với nhiều địa phương khác ở tỉnh cũng như trên cả nước thì Na Hang có nhiều tiềm năng và thế mạnh về du lịch, mà nếu có chiến lược phát triển dài hạn thì rất có thể đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại sự thịnh vượng cho bà con các dân tộc trong huyện.
Những cánh rừng nguyên sinh tại Na Hang.
Hồ thủy điện Na Hang, nơi hội tụ của hai con sông là sông Gâm và sông Năng, có địa hình đặc biệt với 99 ngọn núi quây quần, nối với hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, giáp với huyện Bắc Mê của Hà Giang. Nơi đây đúng là “sơn thủy hữu tình” với những truyền thuyết ngàn xưa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông. Cũng do Tuyên Quang giữ đất và rừng khá tốt nên diện tích rừng nguyên sinh bao phủ hầu như còn nguyên vẹn, thảm thực vật và các loài động vật quý hiếm được bảo vệ tốt.
Tuy nhiên, nếu chỉ “giữ” rừng, giữ đất, giữ nguyên thảm thực vật và sự đa dạng sinh học thì cũng chỉ mới là một nửa câu chuyện. Vấn đề cấp bách hiện nay là sử dụng hiệu quả những tài nguyên đó vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo hướng kết hợp giữa gìn giữ và phát triển bền vững, mà du lịch là một hướng đi đúng đắn. Với địa hình và tiềm năng sẵn có, du lịch Na Hang có thể tập trung vào một số trọng tâm như sau:
Du lịch văn hóa: Sự đặc sắc của địa phương chính là sự đa dạng văn hóa với những tộc người khác nhau cùng sinh sống trên mảnh đất này. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, lịch sử riêng biệt. Nếu kết hợp thành một nội dung trong hoạt động quảng bá thì bản thân nó đã có sự hấp dẫn riêng. Có thể tổ chức không thường xuyên những lễ hội đó với sự tham gia của các nghệ nhân là những người dân bản địa, vừa để tạo nguồn thu nhập cho họ, đồng thời giúp duy trì việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao.
Na Hang cũng là nơi có nhiều đặc sản địa phương nức tiếng, như rượu ngô men lá vừa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận “Chỉ dẫn địa lý” và những sản phẩm Ocop đang dần hướng đến đối tượng tiêu dùng miền xuôi như gạo nếp nương, bún Na Hang sợi dai như mì “Spaghetti” của Ý. Ngày 4/3 vừa qua Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao Quyết định công nhận kỷ lục “Tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam” với 6 cây số ở huyện Hồng Thái cao nhất tỉnh, nơi được ví như Sapa, Đà Lạt của tỉnh Tuyên Quang.
Núi Pác Tạ - biểu tượng của huyện Na Hang.
Nếu khéo quảng bá thì bên cạnh du lịch du thuyền trên lòng hồ để ngắm nước non hùng vĩ với dòng nước lặng yên xanh ngăn ngắt nằm lọt giữa 99 ngọn núi mây vờn, du khách còn được thưởng thức những đặc sản chỉ có ở nơi đây. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện cho biết huyện đang khảo sát để tổ chức các chuyến bay “thủy phi cơ” để du khách có bay ngắm cảnh hồ từ trên cao.
Nhưng có một tiềm năng chưa mấy người nhắc đến, đó là sử dụng nguồn năng lượng tích cực từ đại ngàn những cây hàng ngàn năm tuổi vào phục vụ việc chữa bệnh, phục hồi chức năng thậm chí điều trị một số bệnh. Tổ chức quốc tế “International Society of Forest Therapy” (ISFT) do Giáo sư Horst Klinkmann, Huân chương Hữu nghị của Việt Nam thành lập và làm Chủ tịch, đã chứng minh là một số khu rừng đặc dụng có khả năng chữa bệnh và làm lành những vết thương về thể chất và tinh thần. Khi đi thăm khu rừng bảo hộ ở lòng hồ Na Hang, tôi cũng cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ những cây cổ thụ chục người ôm không xuể.
Cảnh đẹp mê hồn trên hồ Na Hang.
Hợp tác quốc tế mở ra những cơ hội phát triển mới
Na Hang và tỉnh Tuyên Quang không có biên giới với các nước láng giềng. Đó là một thiệt thòi lớn cho địa phương. Đổi lại địa phương lại có thể dồn tiềm lực cho những quan hệ xa hơn và có thể hiệu quả hơn.
Vừa rồi Tuyên Quang đã xúc tiến mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác. Điểm đặc biệt cũng hiếm có địa phương nào làm được cho đến nay là tháng 9 năm 2022 một đoàn công tác của huyện Na Hang do Chủ tịch UBND huyện Tô Viết Hiệp làm Trưởng đoàn đã sang trao đổi hợp tác và ký kết “Ý định thư” hợp tác với vùng Lohmen, thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức). Đây là thỏa thuận cấp huyện đầu tiên ký với Đức, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác song phương, vì bang Mecklenburg-Vorpommern nhiều năm đứng đầu nước Đức về du lịch, trong đó có “du lịch sức khỏe”, “du lịch nghỉ dưỡng” với “khu rừng chữa bệnh” (Heilwald) dọc bờ biển Ban Tích và nhiều cơ sở y tế, điều dưỡng, phục hồi chức năng hàng đầu ở phía Đông Bắc nước Đức. Giáo sư tiến sĩ Klinkmann, cha đẻ của “thận nhân tạo”, Chủ tịch ISFT quốc tế và Châu Âu cũng đã đích thân gặp và trao đổi với đoàn Na Hang nhân dịp đoàn sang Lohmen.
Đoàn công tác của huyện Na Hang thăm và làm việc tại vùng Lohmen, bang Mecklenburg-Vorpommern (CHLB Đức).
Ý định thư hợp tác với Lohmen (Đức) cũng đề cập đến hợp tác trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới, trong đó có lĩnh vực trao đổi văn hóa, du lịch. Vườn thú thành phố cảng Rostock cũng đã bày tỏ ý định hợp tác với huyện Na Hang trong Dự án bảo vệ loài voọc quần đùi trắng mà theo một nghiên cứu của Đức thì hiện chỉ còn khoảng 200 cá thể loại này sinh sống ở khu vực miền núi phía bắc Việt Nam, thuộc danh sách đỏ cần bảo vệ đặc biệt.
Vừa qua, Quỹ LOAN (LOAN Stiftung) của Đức do nữ nhà văn Isabella Müller có mẹ là người Việt, hiện sinh sống ở Đức cũng đã quyết định tài trợ xây dựng một bếp và nhà ăn cho trường tiểu học học nội trú tại xã Sinh Long (Na Hang) và cũng đã khảo sát tại xã Khau Tinh, Đà Vị cho những dự án tiếp theo.
Chủ tịch UBND huyện Tô Viết Hiệp tặng Thị trưởng Lohmen Bern Dikau bức tranh phong cảnh Na Hang.
Dự kiến tháng 5 tới, đoàn của Hội hữu nghị với Việt Nam (FG Vietnam) của Cộng hòa Liên bang Đức do Giáo sư Giesenfeld dẫn đầu cũng sẽ đến Na Hang để trao đổi về hợp tác và hoạt động thiện nguyện.
Với những người dân cần cù, hiếu khách và đội ngũ cán bộ địa phương năng động, trẻ tuổi, dám suy nghĩ để thay đổi cái cũ, tiếp thu cái mới, tôi tin rằng Na Hang đang đi trên con đường đúng đắn, phát huy lợi thế và tiềm năng địa phương phục vụ mục tiêu phát triển, phục vụ bà con các dân tộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết