Điểm nhấn đặc trưng
Hiện nay các huyện, thành phố trong tỉnh đều nghiên cứu xây dựng các điểm check - in hấp dẫn, độc lạ, riêng có của địa phương mình. Vì đây được coi là biểu tượng du lịch nổi trội, phân biệt giữa địa danh nọ và địa danh kia.
Huyện vùng cao Na Hang trong chiến lược phát triển đã nhận ra nhà máy thủy điện, núi Pác Tạ là một biểu tượng văn hóa, du lịch không thể thay thế của huyện nhà. Nhưng khách đứng ở đâu chụp ảnh, quay video để lấy được cả hai đặc trưng đó mới là vấn đề. Bởi vậy khu vực bến thủy không được du khách ưa thích bằng địa điểm gốc nhội bên bờ đập, giáp với tuyến đường nhựa rất thuận tiện. Tần suất “cây cô đơn” bên hồ thủy điện lên mạng xã hội ngày càng nhiều, tạo hiệu ứng tốt, UBND Na Hang đã giao cho Phòng Văn hóa-Thông tin, Huyện đoàn xây dựng thành điểm check - in. Những tảng bê tông to để lại ở thời xây đập thủy điện được di chuyển, tạo mặt bằng tốt cho các đoàn khách đứng chụp ảnh. Cây cô đơn theo cách mọi người thường gọi được đổi tên chính thức là cây hạnh phúc. Lô gô chữ Na Hang được dựng, tạo độ hoàn chỉnh cho điểm check - in. Chị Nguyễn Thúy Hiền, một du khách ở Hà Nội cho biết, thi thoảng chị vẫn dẫn đoàn đi Na Hang du lịch. Và lần nào cũng vậy, chị đều dẫn mọi người lên địa điểm check - in cây hạnh phúc chụp ảnh. Khi bức ảnh được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội, chỉ cần nhìn ảnh là mọi người biết ngay là Na Hang.
Đèo Khau Lắc một điểm check in đẹp của huyện vùng cao Lâm Bình.
Mấy năm gần đây Lâm Bình thuộc top các địa phương có tốc độ phát triển du lịch nhanh. Ngoài những địa danh nổi tiếng mà thiên nhiên ban tặng như Cọc vài, cánh đồng núi đá Nà Tông, xã Thượng Lâm, thì huyện cũng xúc tiến xây dựng điểm check - in cho du khách trên đèo Khau Lắc. Đây là con đèo dài, đẹp nối liền giữa xã Bình An và thị trấn Lăng Can, cửa ngõ bước vào trung tâm huyện. Tận dụng vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, lãng mạn của đèo Khau Lắc, UBND huyện Lâm Bình đã giao cho HTX Thanh niên xã Bình An mở điểm check - in trên đỉnh đèo quảng bá mạnh cho du lịch của địa phương. Điểm check - in kéo dài 2 km phía đèo địa phận xã Bình An chia làm 4 phân khu: khu ẩm thực, khu trồng hoa, khu check - in săn mây, khu vườn đá. Từ khi điểm check - in trên đèo Khau Lắc đi vào hoạt động đã đón nhiều du khách dừng chân chụp ảnh, hình ảnh của huyện ngày càng được lan tỏa.
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) ngoài biểu tượng lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào thì Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh đã cho xây dựng thêm 2 cây đàn tính to, hệ thống bè mảng biểu diễn hát Then trên hồ tạo điểm check - in cho du khách. Từ khi có các hoạt động phụ trợ này, du lịch về nguồn ở Tân Trào không đơn điệu, mà phong phú, hấp dẫn hơn. Khả năng du khách lưu trú lâu hơn để trải nghiệm các dịch vụ, nhất là hoạt động chụp ảnh tại khu di tích và ăn nghỉ ở homestay làng văn hóa du lịch thôn Tân Lập.
Nhận thấy tầm quan trọng của các điểm check - in với quảng bá du lịch, ông Lý Đức Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập (Chiêm Hóa) nhấn mạnh, xã đã đi rà soát, bàn bạc, lựa chọn xây dựng điểm dừng chân check - in tại đỉnh đèo Kéo Mác thuộc thôn Tin Kéo. Đây là tiềm năng du lịch của xã, nhưng nhiều người chưa biết tới, cần được khai thác, quy hoạch dần như điểm dừng chân Đèo Gà của huyện Chiêm Hóa. Như vậy sự nhận diện du lịch của xã, “danh phận” các điểm check-in mới rõ ràng hơn…
Quảng bá không mất tiền
Đối với du lịch, lô gô và slogan thôi chưa đủ, nó cần sự nhận biết bằng hình ảnh thật mạnh mẽ, rõ ràng và ấn tượng. Và để có những góc ảnh đẹp chụp về biểu tượng của địa phương, thì rất cần những điểm check - in đã có danh phận, được quy hoạch bài bản. Nếu ta có rất nhiều kênh để quảng bá du lịch, thì có lẽ kênh quảng bá qua các điểm check-in rất hiệu quả mà không mất tiền.
Du khách về nguồn thích thú chụp ảnh check -in với 2 cây đàn Tính khổng lồ tại Tân Trào.
Thạc sỹ Mai Anh, nguyên Phó trưởng khoa Văn hóa-Du lịch Đại học Tân Trào cho rằng, việc cơ quan quản lý địa phương cho xây dựng các điểm check -in là rất cần thiết. Ví dụ cứ cho ít nhất mỗi tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của một du khách có 100 người theo dõi thì một đoàn 10 du khách đưa ảnh lên mạng đã lan tỏa tới 1.000 người. Đó là chưa kể các tài khoản lại tag người thân, bạn bè của mình vào thì độ lan tỏa còn được nhân lên gấp bội. Đặc biệt, đây lại là ảnh “người thật việc thật” của những người gần gũi, thân quen nên độ tin cậy cao. Tính hiệu quả cao trong quảng bá thông qua các điểm check in mà lại không mất tiền.
Hiện nay Tỉnh đoàn Tuyên Quang đang phát động Cuộc thi Thiết kế “Mô hình check-in Tuyên Quang”. Thông qua cuộc thi nhằm tìm kiếm, lựa chọn những ý tưởng thiết kế mô hình check-in sáng tạo, độc đáo, có tính ứng dụng trong thực tế, phù hợp với đặc điểm văn hóa, địa lý địa phương để có thể hiện thực hóa thành những địa điểm check-in tạo điểm nhấn cảnh quan du lịch nổi bật của Tuyên Quang, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, khám phá. Hy vọng qua cuộc thi này các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ tạo ra được “danh phận” các điểm check-in vừa độc đáo vừa hấp dẫn.
Gửi phản hồi
In bài viết